“Micronesia kêu gọi những người bạn Mỹ và Trung Quốc của chúng tôi tăng cường hợp tác và hữu nghị với nhau... để đạt được những gì tốt nhất cho cộng đồng toàn cầu", Chủ tịch Liên bang Micronesia David Panuelo trong một video phát biểu được gửi đến UNGA-75.
Micronesia - với dân số khoảng 113.000 người - và các nước láng giềng trên Đảo Thái Bình Dương từ lâu đã mắc kẹt trong cuộc giằng co ngoại giao giữa các cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Trung Quốc được cho đã nắm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực mà Washington vốn coi là "sân sau" của mình kể từ Thế chiến II.
Trong bài phát biểu hôm 25/9, trước sự kiện tụ họp của các nhà lãnh đạo thế giới dưới hình thức trực tuyến do đại dịch - nhà lãnh đạo Micronesia Panuelo thừa nhận, thế cạnh tranh giữa 2 cường quốc là có lợi cho một số người ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ông Panuelo cảnh báo rằng những nỗ lực này “cũng có khả năng đe dọa, phá vỡ các liên minh lâu đời trong cộng đồng Thái Bình Dương và có thể trở nên phản tác dụng đối với mong muốn chung về đoàn kết, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Trong khi dù có diện tích đất liền tương đối hạn chế, các quốc gia Thái Bình Dương lại kiểm soát những vùng biển rộng lớn có tính chiến lược cao, tạo thành ranh giới giữa châu Mỹ và châu Á. Khi các đại dương ấm lên và mực nước biển dâng cao, chúng cũng đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
"Tôi hy vọng... Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng ủng hộ các nguyên nhân toàn cầu cho sự đoàn kết và hợp tác toàn cầu, từ biến đổi khí hậu đến Covid-19", Chủ tịch Liên bang Micronesia nói.
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đang diễn ra tại LHQ gồm 193 thành viên, nơi Bắc Kinh được cho đã thúc đẩy ảnh hưởng đa phương, thách thức vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ. Căng thẳng giữa 2 siêu cường dường như lên đến điểm sôi sục trên toàn cầu bởi đại dịch Covid-19.
Đáng nói, lời kêu gọi cũng như cảnh tỉnh của Micronesia nổi bật trong cuộc họp tuần này, khi mà hầu hết các quốc gia, dù kêu gọi thế giới đoàn kết để chống lại dịch bệnh, nhưng đều tránh đề cập trực tiếp đến xích mích Mỹ - Trung. Reuters dẫn lời Giám đốc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế của LHQ Richard Gowan giải thích, các nhà lãnh đạo chủ yếu muốn tránh vướng vào căng thẳng.
“Rất nhiều thành viên của LHQ tin rằng Mỹ đang phá hoại và Trung Quốc đang khát quyền. Họ không cảm thấy có gì hấp dẫn", ông Gowan nói, "những người châu Âu đầy tham vọng như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể nhìn thấy cơ hội để lấp khoảng trống lãnh đạo, vì vậy họ sẵn sàng thách thức Bắc Kinh và Washington".
Phát biểu trước Đại hội đồng hôm thứ Ba, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc đã "tung Covid-19 ra thế giới" - khiến Bắc Kinh đáp trả ông chủ Nhà Trắng là "dối trá" và đang lợi dụng nền tảng của LHQ để kích động đối đầu, ông Macron tỏ rõ quan điểm.
"Thế giới như ngày nay không thể tiến lên cùng sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, bất kể sức nặng toàn cầu của 2 cường quốc này đến đâu hay lịch sử gắn bó như thế nào", Tổng thống Pháp nói trong một video.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres trước đó cũng cảnh báo thế giới đang đi theo một hướng nguy hiểm và "không thể có được một tương lai mà 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chia cắt để tạo ra một vết nứt lớn - nơi mỗi nền kinh tế có các quy tắc thương mại, tài chính, năng lực internet và trí tuệ nhân tạo riêng rẽ".