*Bản biên dịch bài xã luận "Japan offers youthful model for aging societies through digital technology" (Nhật Bản gợi mở mô hình trẻ cho các xã hội già hóa bằng công nghệ kỹ thuật số) của Bộ trưởng Phụ trách Kỹ thuật số, Cải cách Hành chính và Quy định Karen Makishima, đăng tải trên báo điện tử Nikkei Asia ngày 17/5/2022.
Năm 1961, khi dư âm của Thế chiến II vẫn còn, Nhật Bản - quốc gia trải qua quá trình tái thiết đau thương sau chiến tranh - đã thành lập một hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân để đảm bảo chăm sóc y tế cho tất cả mọi người. Tương tự, hệ thống bảo hiểm chăm sóc điều dưỡng đã được thành lập vào năm 2000, cho phép mọi người già có thể duy trì cuộc sống của họ một cách đàng hoàng mà không tạo gánh nặng quá lớn cho gia đình, con cái.
Một phần kết quả của những nỗ lực này là tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản đã tăng thêm 30 năm kể từ sau Thế chiến II, và hiện là tuổi thọ cao nhất thế giới: 82 tuổi đối với nam giới và 88 tuổi đối với nữ giới.
Bất chấp những thành tựu đạt được, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe mà Nhật Bản lâu nay vẫn tự hào.
Tại sao hệ thống vẫn bị cảnh báo đang đứng trên bờ vực sụp đổ, bất chấp quốc gia đang có số giường bệnh trên đầu người lớn nhất, và nằm trong số ít bệnh nhân Covid-19 bị bệnh nặng nhất trên thế giới? Tại sao chúng ta vẫn để người dân bị nhiễm Covid-19 và chết một mình ở nhà? Tại sao chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số không được áp dụng trong nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới?
Nỗi tiếc nuối về những vấn đề không mong muốn này đã dẫn đến việc thành lập Cơ quan Kỹ thuật số, đồng thời khởi động một quá trình số hóa đối với hệ thống dịch vụ xã hội của Nhật Bản.
Trên thực tế, thách thức cơ bản mà hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước phải đối mặt là sự thay đổi nhân khẩu học. Những người từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm 30% dân số Nhật Bản. Cứ 10 người thì có 1 người trên 80 tuổi. Dự báo dân số Nhật sẽ tiếp tục xám và số người trẻ sẽ giảm mạnh.
Sự thay đổi nhân khẩu học này đã chuyển ưu tiên chăm sóc sức khỏe của người Nhật đối với các bệnh cấp tính sang lĩnh vực điều trị và phòng ngừa các bệnh liên quan đến lối sống, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và béo phì.
Ngoài ra, sự phân bố dân cư không đồng đều đã khiến cho một số khu vực dân cư thưa thớt không thể cung cấp dịch vụ chăm sóc đầy đủ cho người cao tuổi. Phần lớn thời gian của mọi người được dành cho việc đi và đến bệnh viện.
70% trong số những người Nhật thích dành thời gian cuối đời ở tại nhà mình đã phải ra đi tại bệnh viện. Việc được ở bên cạnh những người thân yêu, giữa khung cảnh thân thuộc trong những giờ khắc cuối đời, trở thành một mong muốn "xa xỉ" với nhiều người lúc này.
Một số ý kiến cho rằng Nhật Bản chậm cải cách và đang sa sút vì nền kinh tế - xã hội đang già đi. Những lời chỉ trích là vô cùng gay gắt, nhưng tôi đang thẳng thắn đối diện.
Tuy nhiên, song song với điều đó là quyền tự do cá nhân từ lâu đã rất được tôn trọng ở Nhật Bản. Chính phủ sẽ không nói với người dân về việc họ nên có bao nhiêu con, hay việc họ nên sống ở đâu. Do đó, cần hiểu rằng các vấn đề mà hệ thống chăm sóc sức khỏe phải đối mặt là mặt trái của các lựa chọn tự do của các cá nhân.
Một vấn đề với xã hội Nhật Bản là chúng ta đã trở nên sợ rủi ro: Chúng ta quá hài lòng với hiện trạng đạt được, do đó mà thiếu sự hỗ trợ đầy đủ cho những người dám chấp nhận rủi ro để biến ước mơ của họ thành hiện thực. Nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể là một bước ngoặt. Nó thúc đẩy Nhật Bản tiến hành cải cách và đối phó với những thách thức. Chính phủ kiên quyết cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe bằng cách sử dụng tối đa công nghệ kỹ thuật số, thay vì chỉ dựa vào thiện chí và sự hy sinh không tiếc thân mình của các y bác sĩ, để đóng góp cho nền y học cộng đồng.
Về mặt nhân khẩu học, trong tương lai, thế giới nói chung sẽ giống như Nhật Bản lúc này. Theo báo cáo của Liên Hợp quốc về "Triển vọng Dân số Thế giới năm 2019", tuổi thọ trung bình của con người có thể tăng thêm 14 tuổi vào năm 2050 so với năm 1950. Đó là lúc thế giới già đi. Singapore sẽ già như Nhật Bản sau 40 năm nữa.
Vì vậy, Nhật Bản có thể đang đi đầu trong những thay đổi chưa từng có đối với nhân loại. Cách ứng phó với những thách thức hiện nay có thể truyền cảm hứng cho nhiều chính quyền ở những nơi khác.
Các chương trình chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản trong tương lai sẽ hỗ trợ mọi người trong nỗ lực sống cuộc sống mà họ muốn, dựa trên các giá trị của họ. Ví dụ, những người kinh doanh chịu áp lực về thời gian sẽ có thể được tư vấn thực hiện các bài kiểm tra từ các bác sĩ riêng của họ ngay cả khi đang đi công tác. Mọi người cũng sẽ không phải lo lắng về việc cha mẹ già của họ có đang phải chịu đựng cơn đau bệnh tật một mình ở nhà hay không.
Công nghệ kỹ thuật số sẽ hỗ trợ đáng kể cho các bác sĩ phẫu thuật đang phải làm việc ở những nơi xa thủ đô Tokyo, ngay cả khi họ điều trị cho những bệnh nhân cao tuổi trên những hòn đảo xa xôi ở Okinawa. Tôi sẽ thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số để các lựa chọn trong cuộc sống của mọi người không bị hạn chế bởi khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.
Các sáng kiến đã bắt đầu được thực hiện. Một chương trình đã được phát triển chỉ trong vài tháng để cấp giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 chính thức cho người dân Nhật Bản qua điện thoại thông minh ở bất cứ nơi nào họ được tiêm chủng, trong số khoảng 1.700 chính quyền địa phương. Việc phát hành rộng rãi Thẻ số để nhận dạng cá nhân đã cho phép nhiều bệnh viện chấp nhận chúng làm giấy chứng nhận bảo hiểm y tế, cũng như theo dõi hồ sơ của các loại thuốc và lịch sử thăm khám mà bệnh nhân đã trải qua.
Trên hết, cải cách quy định đối với dịch vụ chăm sóc y tế trực tuyến đã bắt đầu vào tháng 4 vừa qua, loại bỏ những hạn chế đối với các loại bệnh có thể điều trị, khoảng cách của bệnh nhân với bệnh viện và số lần khám trực tuyến.
Các chuyên gia về chứng sa sút trí tuệ ở Tokyo sẽ sớm có thể khám bệnh cho mọi người ở bất kỳ đâu trên đất nước Nhật Bản. Người cao tuổi khuyết tật sẽ không còn phải chịu cảnh chen chúc trên những chuyến tàu xe để đến được bệnh viện, mà thay vào đó là được khám và cấp thuốc tại nhà. Công dân nước ngoài sẽ không cần phải lo lắng về rào cản ngôn ngữ để được chăm sóc sức khỏe tại Nhật Bản.
Các công ty start-up đang nở rộ tại Nhật Bản, khi dữ liệu sức khỏe ngày càng phổ biến hơn. Ngoài 2 tỷ dữ liệu mỗi năm từ các cuộc kiểm tra y tế, việc công bố một kho dữ liệu lớn nhất thế giới về nhiều loại dịch vụ khám sức khỏe và dịch vụ chăm sóc điều dưỡng đang được đưa vào sử dụng để phát triển thuốc ở Nhật Bản. Các thử nghiệm lâm sàng phi tập trung, bao gồm cả tại nhà, sẽ thúc đẩy sự phát triển của các loại thuốc để điều trị các bệnh hiếm gặp.
Nhà thơ Samuel Ullman đã từng viết trong bài thơ có tựa đề "Tuổi trẻ": "Không ai già đi chỉ sau vài con số tuổi tác. Chúng ta già đi bởi lý tưởng của mình". Điều này cũng đúng với một xã hội. Người Nhật chúng ta đã trở nên bảo vệ quá mức những gì chúng ta đã có và quá ràng buộc bởi tiền lệ. Vì vậy chúng ta đã áp dụng một lập trường không cho phép thất bại trong việc theo đuổi các lý tưởng.
Cơ quan Kỹ thuật số của Nhật Bản, nơi tôi đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, coi Chính phủ giống như một công ty khởi nghiệp. Chương trình hộ chiếu vaccine của Nhật Bản đã trải qua một loạt thách thức và cải tiến. Điều quan trọng nhất là truyền bá tư duy nhanh nhẹn trong toàn bộ Chính phủ, và cho toàn thể Nhật Bản thấy rằng chúng tôi không sợ mắc sai lầm trong quá trình theo đuổi lý tưởng.
Thay vì lý luận rông dài, những sai lầm của Chính phủ cần đi kèm với việc tự đánh giá lại, bởi vấn đề có thể nằm trong chính hệ thống và tổ chức của Chính phủ. Do đó, tôi chịu trách nhiệm về các cải cách hành chính và quy định trong nhiệm kỳ của mình và sẽ làm việc để thúc đẩy chúng một cách đồng bộ.
Lịch sử đổi mới sáng tạo của Nhật Bản đã chứng kiến thành tựu trong mọi lĩnh vực, từ máy nội soi dạ dày đến biểu tượng cảm xúc, truyện tranh. Momofuku Ando - người sáng lập Nissin Foods Holdings - đã phát triển mỳ Cup ramen ăn liền ở tuổi 61. Những đổi mới này rõ ràng đã mang lại lợi ích cho toàn thế giới.
Lần này, Nhật Bản sẽ đưa ra một mô hình trẻ cho các xã hội già hóa bằng cách sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Một con dốc đang chờ chúng tôi ở phía trước. Tôi hy vọng rằng mọi người trên khắp thế giới sẽ tham gia để cùng đối phó với những thách thức mà nước Nhật đang đối mặt lúc này.