Các kết quả thử nghiệm trên động cơ cho thấy, xăng E5 hoàn toàn có thể sử dụng được trên động cơ đang lưu hành ở Việt Nam. Thế nhưng đến nay, xăng sinh học lại khó tiêu thụ - trong khi chúng ta đang thiếu xăng, phải nhập khẩu và phụ thuộc (cả về lượng và giá) từ bên ngoài?
Hiệu quả không như mong muốn, vì đâu?
Thực hiện Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 của Chính phủ (Đề án 177) đến nay, năng lực sản xuất ethanol đã có thể đảm bảo pha được khoảng 5,6 triệu mét khối xăng sinh học (xăng E5) để cung cấp cho thị trường. Theo những kết quả nghiên cứu của đề án, nếu lượng xăng này được tiêu thụ hết sẽ cùng lúc đảm bảo được nhiều mục tiêu: Từ tạo việc làm, thu nhập cho người nông dân trồng nguyên liệu sắn, đến chủ động hơn với nguồn cung xăng dầu... Tuy nhiên, sau hơn 2 năm - kể từ khi xăng sinh học xuất hiện trên thị trường mới có khoảng 35.000m3 xăng E5 được tiêu thụ, sản xuất ra không bán được. Để tiếp tục triển khai Đề án 177 của Chính phủ về phát triển năng lượng sạch hơn, các nhà máy sản xuất ethanol trong nước đã phải tìm cách xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài để tồn tại và nuôi nguồn nguyên liệu.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Theo đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đề án triển khai không thành công bởi việc thực hiện không đồng bộ, chưa gắn kết giữa sản xuất với tiêu dùng, mọi việc thả nổi cho nhà đầu tư.
Doanh nghiệp chưa vào cuộc
Để khuyến khích tiêu thụ xăng sinh học, mới đây, Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo về lộ trình sử dụng nhiên liệu sinh học tại Việt Nam. Trong đó, xăng sinh học sẽ phải bắt buộc sử dụng trên thị trường Việt Nam vào năm 2014. Và từ 1/12/2015 trở đi, cơ chế bắt buộc sản xuất, kinh doanh xăng E5 là xăng duy nhất phục vụ cho tất cả các loại phương tiện cơ giới đường bộ trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, cái chính vẫn là công tác truyền thông nhận thức người tiêu dùng. Nhưng trước mắt, vướng mắc lớn nhất lại ở chỗ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa thực sự vào cuộc. Đến nay mới có 3 trong số hơn 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai kinh doanh xăng E5 (là PV Oil, Petec và Saigon - Petro) đều là thành viên của Tập đoàn Dầu khí, đơn vị sản xuất ethanol. Trong khi đó, một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp đầu mối chần chừ bán xăng E5 là do họ ngại phải đầu tư thêm cơ sở hạ tầng thiết yếu như kho bãi, bể pha chế, bổ sung tại các trạm, cây xăng cho phù hợp. Vì vậy, tâm lý chung của doanh nghiệp là thiếu thì nhập khẩu.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP. HCM cho rằng, thói quen này đã thể hiện rõ tư tưởng độc quyền thống lĩnh thị trường của các ông lớn kinh doanh xăng dầu. Độc quyền còn thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp không thực hiện các chương trình quảng bá một sản phẩm nhiên liệu mới thân thiện với môi trường mà chỉ cung cấp những thứ mình có, với cơ sở hạ tầng sẵn có… Ông Tước đề xuất, để xăng sinh học đến được với người tiêu dùng, phải gắn chặt với hệ thống phân phối xăng dầu hiện có. Nếu không có chính sách phát triển đồng bộ từ nhà máy sản xuất đến hệ thống phân phối và nguồn nguyên liệu, thì cả khi Bộ Công Thương - cơ quan quản lý Nhà nước có xây dựng và được chấp thuận lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học tại Việt Nam khó có thể thực hiện được.
Trên thế giới, có khoảng 60 quốc gia đang sử dụng phổ biến các loại xăng sinh học E5, E10 và cũng có các chương trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học như trên. |