Như báo Kinh tế & Đô thị đã phản ánh, vào 3 giờ chiều ngày 1/10 đã xảy ra một vụ rơi vữa trần phòng học lớp 1C, trường Tiểu học Đa Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội khiến 1 cô giáo và 3 học sinh bị thương, phải nhập viện.
Vào chiều 2/10, cháu Đỗ Đình Hiếu đã được các bác sĩ tại Bệnh viện Bưu điện phẫu thuật mổ não, tuy nhiên sức khỏe còn rất yếu, một cánh tay không thể cử động được, phải theo dõi diễn biến sức khỏe sát sao tại khoa cấp cứu. Cô giáo Nguyễn Thị Hướng và 2 học sinh Nguyễn Mạnh Tuấn và Lý Thị Ẻn do vết thương không quá nặng nên đã được xuất viện về điều trị tại gia đình.
Sự việc đáng tiếc
Ông Nguyễn Đức Điền, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn, cho biết: Đây là sự việc không ai mong muốn xảy ra mà do nguyên nhân khách quan. Dãy nhà học xảy ra sự việc đã được xây dựng cách đây 20 năm nên quá cũ kỹ, khi trát vữa mới không đảm bảo độ liên kết với trần nên mới bong ra.
Được biết, đơn vị trực tiếp thi công là Công ty xây dựng và du lịch Tiền Phong.Do phòng học không đảm bảo chất lượng, các thầy cô và phụ huynh học sinh không yên tâm nên UBND xã đã kiến nghị với UBND huyện cho phép hạ giải toàn bộ dãy nhà cũ để xây lại mới.
Hiện trường nơi tảng vữa trần nhà rơi trúng đầu 4 cô trò.
Tuy nhiên, UBND huyện chỉ cấp kinh phí để cạo vữa và trát lại.Giải thích nguyên nhân UBND huyện không phê duyệt kiến nghị của UBND xã Đa Tốn, ông Dương Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nói: Đến giờ huyện chưa nhận được ý kiến kiến nghị hạ giải dãy nhà cũ tại trường Tiểu học Đa Tốn để xây mới. Vì dãy phòng học vẫn còn sử dụng tốt, chỉ hư hỏng về trần và bong tróc tường nên huyện có kế hoạch bảo dưỡng chứ chưa đến mức phải phá đi làm lại cho tốn kém.
Lỗi thuộc về đơn vị thi công và nhà trường
Trả lời phỏng vấn của báo chí về trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi để xảy ra vụ việc rơi vữa trần phòng học khiến 4 cô, trò bị thương ở đầu, ông Dương Dũng cho biết: "Về sơ bộ đánh giá ban đầu, lỗi là do cả hai bên, một là công trình chưa làm xong và chưa bàn giao mà đơn vị thi công đã cho nhà trường đưa vào sử dụng.
Thứ hai là đơn vị sử dụng (trường Tiểu học Đa Tốn) chưa được cho phép sử dụng đã tự ý tổ chức lớp học". Chiều ngày 3/10, lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức cuộc họp tại trường Tiểu học Đa Tốn để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong vụ việc này.
Rút kinh nghiệm từ sự việc này, UBND huyện Gia Lâm đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thi công xây dựng, các nhà trường rà soát, đánh giá lại chất lượng tất cả các phòng học và từ nay đến hết ngày 15/10 phải có văn bản báo cáo lên huyện. Nếu công trình nào không đảm bảo chất lượng phải đình chỉ hoạt động, bố trí lớp học khác để sửa chữa, khắc phục đến bao giờ đảm bảo an toàn thì mới sử dụng.
Về việc giúp đỡ các nạn nhân trong vụ việc trên, chính quyền xã sẽ trích quỹ hộ nghèo cho cháu Hiếu 5 triệu đồng, còn cô Hướng và 2 học sinh Ẻn, Tuấn mỗi người 1 triệu đồng. UBND huyện Gia Lâm đã yêu cầu Ban Quản lý dự án và đơn vị thi công phối hợp với Phòng LĐTB&XH, Hội phụ nữ đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho các nạn nhân, đặc biệt là cháu Hiếu.
Cách đây không lâu, vào cuối tháng 2/2012, trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã xảy ra một vụ sập trần lớp học tại trường THPT Kim Liên khi đang trong giờ học, khiến giáo viên và thầy cô hoảng loạn. Sự việc lần này một lần nữa cho thấy, nếu công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình giáo dục của các cơ quan chức năng không được cải thiện, thì nguy cơ xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên vẫn có thể tiếp tục xảy ra.