Long Biên: Hiệu quả trong phối hợp phòng, chống tệ nạn xã hội

Minh Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và triển khai đầy đủ các văn bản, nhiệm vụ về phòng chống tệ nạn xã hội, trong 9 tháng năm 2022 quận Long Biên hoàn thành chỉ tiêu cai nghiện bắt buộc (65/56 đối tượng, đạt 116% kế hoạch TP giao).

Đa dạng, linh hoạt công tác tuyên truyền, phối hợp

Ngay từ đầu năm 2022, UBND quận Long Biên đã chỉ đạo các ngành chức năng của quận (Phòng LĐTB&XH, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Trung tâm Y tế, phòng Y tế quận và UBND các phường) căn cứ chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại kế hoạch của TP để tham mưu cho UBND, Ban chỉ đạo 138 cấp quận xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả công tác cai nghiện, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.

Công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống mại dâm và cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy cũng được quận quan tâm bằng nhiều hình thức đa dạng: Thông qua cổng thông tin điện tử quận, phường; qua hệ thống đài truyền thanh; pano, áp phích, lồng ghép tại các hội nghị, sinh hoạt tổ dân phố. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Phòng chống ma túy 2021; Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; chính sách của Đảng, Nhà nước từ T.Ư tới địa phương về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội...

Buổi sinh hoạt thường kì của Nhóm những người tham gia Mô hình chuyển gửi, cùng hội viên CLB B93 phường Ngọc Thụy. Ảnh Thu Hòa
Buổi sinh hoạt thường kì của Nhóm những người tham gia Mô hình chuyển gửi, cùng hội viên CLB B93 phường Ngọc Thụy. Ảnh Thu Hòa

Trưởng phòng LĐTB&XH Long Biên Trần Thị Hoài Hương thông tin, trong 9 tháng, quận Long Biên đã phối hợp Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội - Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ cho 14 phường, câu lạc bộ B93 về công tác phòng chống tệ nạn xã hội, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai với khoảng 400 người tham gia. Các phường chủ động tổ chức 59 hội nghị tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội với gần 3.000 người tham dự.

“Nét mới năm nay, quận đã mở rộng tuyên truyền cho học sinh trong các trường THCS, THPT… Điều này không chỉ giúp các em sớm hiểu về những nguy cơ cũng như hình thành những kỹ năng trong phòng, chống tệ nạn xã hội mà còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực, hiệu quả trong công tác này” - bà Trần Thị Hoài Hương cho hay.

Quận Long Biên cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp trong lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc, quản lý, giúp đỡ người sau cai, tổ chức hoạt động Câu lạc bộ B93. Đặc biệt là quận phối hợp với Sở LĐTB&XH TP Hà Nội, các tổ chức liên quan duy trì Mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” và Mô hình “Tình nguyện viên giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng” tại 3 phường Bồ Đề, Ngọc Lâm, Ngọc Thụy. Quận duy trì Mô hình “Câu lạc bộ B93” tại 3 phường Đức Giang, Ngọc Lâm, Ngọc Thụy; phát triển Mô hình “Quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú” tại các phường còn lại trên địa bàn quận.

Tạo những cơ hội để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Từ sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành LĐTB&XH, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Y tế, các đoàn thể của quận, các phường đã đem lại những hiệu quả quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn. Cũng như khắc phục các khó khăn trong xác định tình trạng nghiện để hoàn thành chỉ tiêu cai nghiện bắt buộc.

Kết quả, trong 9 tháng năm 2022 quận Long Biên đã thực hiện đạt 116% kế hoạch được giao của TP, bao gồm đối tượng nghiện lang thang và đối tượng nghiện có nơi cư trú ổn định. Mô hình “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” của quận được đẩy mạnh hoạt động, với những kết quả nổi bật: Tính đến 15/9/2022 quận đã tiếp nhận lại 50 khách hàng, tiếp nhận mới 2 khách hàng; tư vấn 52 khách hàng; với nội dung về tình trạng sức khỏe, điều trị bệnh, mua thẻ bảo hiểm y tế; thực hiện sàng lọc, can thiệp nhanh, khám và điều trị bệnh thông thường…

Hiện nay, toàn bộ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú đều được quận và phường phân công lực lượng Tình nguyện viên, hội viên các đoàn thể quản lý, giúp đỡ thông qua các hoạt động quản lý, tư vấn dạy nghề, tìm kiếm việc làm, hỗ trợ giải quyết việc làm tại gia đình, giới thiệu vào làm tại DN, cơ sở sản xuất, cho vay vốn ưu đãi để tự tạo việc làm...

Các phường trên địa bàn quận Long Biên đã thực hiện quản lý sau cai tại gia đình và cộng đồng 183 lượt người, trong đó 22 lượt người được hỗ trợ tạo việc làm, 9 người được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 440 triệu đồng để phát triển sản xuất kinh doanh. Đã có 33 người cai nghiện thành công không tái nghiện ít nhất từ 2 năm trở lên.

Nhờ bám sát kế hoạch, linh hoạt các giải pháp trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy trên địa bàn quận Long Biên trong thời gian qua đã đạt được những kết quả, góp phần không nhỏ vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Người sau cai nghiện ma túy xóa bỏ mặc cảm, tự tin hơn và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tái nghiện, tái phạm, hòa nhập cộng đồng.

“Với việc đẩy mạnh công tác phối hợp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức người dân được nâng cao đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hiệu quả phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn” - Trưởng phòng LĐTB&XH Long Biên Trần Thị Hoài Hương nhấn mạnh.