Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lớp học kỹ năng sống miễn phí của cô giáo Loan

Hạnh Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thành công của lớp học này chính là việc tôi có thể giúp các em có thể bình tĩnh sống, sống một cách tốt nhất, vui vẻ nhất”, cô Phạm Thị Thúy Loan - Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ (TP Đà Nẵng) chia sẻ.

Dạy những gì học sinh cần, học sinh thiếu
Diễn ra vào sáng Chủ nhật hàng tuần, tại trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), lớp học của cô Loan có sự tham gia của các em học sinh (HS) từ 12-18 tuổi. Cô Loan là người trực tiếp đứng lớp, không giới hạn độ tuổi, không phân biệt HS trong hay ngoài trường. Đặc biệt, lớp học không thu học phí.
Sau mỗi buổi học, cô Loan dành thời gian chia sẻ, động viên các em. 
Nội dung các buổi học xoay quanh giáo dục kỹ năng sống, tập trung vào các nội dung như giáo dục kỹ năng về phòng chống xâm hại, bạo lực học đường, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tự đánh giá bản thân, kiểm soát cảm xúc… Mỗi buổi học kỹ năng sống do cô Loan giảng dạy thu hút từ 20 đến 30 em, có lúc lên tới gần 60 em.
Trong mỗi bài giảng, ngoài việc chọn cách trình bày hấp dẫn, thu hút, cô Loan luôn tìm tòi và sử dụng những từ ngữ, hình ảnh phù hợp để truyền đạt nội dung bài giảng đến với các em một cách tốt nhất. “Nếu HS cần tìm hiểu những vấn đề gì cụ thể trong cuộc sống thì tôi sẵn sàng truyền đạt những kinh nghiệm đó cho các em”, cô Loan cho biết.
Trong mỗi buổi học, cô Loan sẽ mời một chuyên gia, hoặc những người có kinh nghiệm, từng trải trong cuộc sống nắm rõ các kỹ năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau đến trực tiếp trao đổi, giao lưu, tuyên truyền cho các em những phương pháp ứng xử, cách phòng tránh, điều chỉnh hành vi của bản thân khi tham gia hoạt động ngoài môi trường xã hội.
Em Đoàn Thì (HS lớp 8/6 Trường THCS Nguyễn Huệ) chia sẻ: “Cô Loan rất gần gũi và thân thiết với chúng em. Sau mỗi buổi học của cô Loan, em cảm thấy mình tự tin hơn, tiến bộ hơn, em có thể quản lý thời gian của mình, chủ động ứng xử và phòng tránh những chuyện không tốt ngoài xã hội”.
Còn em Trương thị Mỹ Linh (HS lớp 9/4 Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng) nói: “Em biết đến lớp học của cô Loan từ năm 2018. Em thích lớp học của cô bởi vì rất thiết thực. Cô không chỉ dạy lý thuyết cho chúng em mà còn dạy cho chúng em những bài học từ thực tế. Sau những giờ học của Cô Loan em cảm thấy bản thân mình đã tự tin, chủ động hơn, biết cách bảo vệ bản thân, biết cách xử lý các tình huống một cách chủ động, hợp lý”.
Tin tưởng vào lớp học của cô Loan, nhiều phụ huynh mong muốn con em mình tiếp tục tham gia vào những lớp học bổ ích, thiết thực như thế này. Lớp học sẽ giúp các em có cái nhìn mới về những điều được học, được trải nghiệm và đặc biệt là rút ra được những bài học kinh nghiệm hữu ích cho bản thân.
“Kỹ năng sống là phải được chuyển biến từ nhận thức thành hành vi cụ thể, để các em biết cách chủ động ứng xử với những biến đổi, những vấn đề các em gặp trong đời sống hàng ngày để các em có một cuộc sống an toàn, lành mạnh”, cô Loan nói.
Đại úy Đặng Văn Hùng (công an phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham dự một buổi học của cô Loan để chia sẻ và tuyên truyền cho các em học sinh về chủ đề bạo lực học đường.
Lớp học sẽ được nhân rộng
Thành công của lớp học là các em đã có sự vận động trong suy nghĩ, biết đưa những kỹ năng mà mình học được để áp dụng vào thực tế cuộc sống. Điều đặc biệt ở lớp học này là mặc dù các em có độ tuổi khác nhau, hoàn cảnh gia đình khác nhau, đến từ nhiều trường khác nhau (gần 10 trường trên địa bàn TP), nhưng các em đều có sự hòa đồng, tôn trọng nhau tuyệt đối. Khi các bạn cùng lớp trình bày quan điểm riêng của mình, các em đã thẳng thắng cùng nhau bàn luận, trao đổi để cùng đi đến thống nhất. 
Ngoài những nội dung về các kỹ năng sống, lớp học của cô Loan còn lồng ghép đưa những nội dung mang tính thời sự của cuộc sống, lấy câu chuyện thời sự để làm bài học thực tế. Đó là minh chứng sống động cho HS, để các em có thể nhận biết và chủ động ứng phó trong thực tế cuộc sống.
Cô Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho biết, đây là năm thứ 2 triển khai mô hình lớp học này. Khi bắt đầu triển khai, lớp học còn mang tính tự phát, số lượng HS tham gia chưa được đông. Đến năm học này, số lượng cũng như chất lượng của các buổi học đã dần đi vào nề nếp và có chiều sâu.
“Điểm sáng của lớp học này chính là việc các em HS đến học tự nguyện theo nhu cầu của bản thân; những nội dung của bài học gắn với tâm sinh lý của các em và xuất phát từ nhiệt huyết của người đứng giảng, truyền lửa đến cho HS. Vào dịp hè này, ngành sẽ nhân rộng mô hình lớp kỹ năng sống đến các trường học ở quận Hải Châu”, cô Hà cho biết thêm.