Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lớp trẻ bỏ phố về quê giúp nông nghiệp Việt thông minh, bền vững

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một bài viết mới đây trên SCMP đã giới thiệu về làn sóng những nông dân trẻ, có học thức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là một phần của phong trào “cổ cồn xanh” mới ra đời nhằm gia tăng sự trở lại của đất đai thông qua nông nghiệp.

Trần Thị Khánh Trang, có bằng MBA của Mỹ, quyết định trở về quê nhà phát triển nông nghiệp bền vững.

Làn sóng "cổ cồn xanh" mới

Đối với Trần Thị Khánh Trang, người có bằng MBA của ĐH Bang Colorado, Mỹ, đi làm nông không hẳn là một lựa chọn nghề nghiệp hợp thời ở một quốc gia như Việt Nam, nơi các bậc cha mẹ thường kỳ vọng con cái học đại học của họ sẽ kiếm được việc làm ở thành thị. Hay với Andreas Ismar, một nhà báo tài chính 38 tuổi, người Indonesia, từ bỏ TP để sống ở vùng quê là tấm vé mà anh cần để thực hiện ước mơ của mình.

Theo SCMP, cả Trang và Andreas đều nằm trong làn sóng những nông dân trẻ, có học thức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là một phần của phong trào “cổ cồn xanh” mới ra đời nhằm gia tăng sự trở lại của đất đai thông qua nông nghiệp. Kế hoạch thường bắt đầu bằng năng lượng tái tạo và các dự án xã hội của DN, hoặc bằng cách đầu tư vào các công việc liên quan đến tính bền vững.

Những doanh nhân như vậy được tin ít nhất có thể là một phần của giải pháp phục hồi các nền kinh tế trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 gây ra, giúp tạo ra những cơ hội nghề nghiệp mới trong bối cảnh giảm sút nói chung.

Một số chính quyền khu vực cũng đã tham gia vào lĩnh vực này. Chẳng hạn Singapore lên kế hoạch tạo ra 55.000 việc làm xanh trong 10 năm tới trong lĩnh vực môi trường và nông nghiệp, trong khi Hàn Quốc dự trù ngân sách 95 triệu USD cho các dự án xanh để giúp đưa nền kinh tế của nước này thoát khỏi tình trạng ảm đạm.

Trong trường hợp của Trần Thị Khánh Trang, 34 tuổi, người sáng lập FarGreen - một công ty khởi nghiệp về nông nghiệp hữu cơ, là người đầu tiên trong gia đình cô được học ĐH, chưa kể đến việc du học nước ngoài.

Sinh ra và lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở Hà Nam, Trang nói rằng bản thân đã ý thức được với việc bảo vệ môi trường xung quanh và hạn chế rác thải ngay từ nhỏ, khi gia đình cô từng sống cạnh một dòng sông ô nhiễm và ​​cha mẹ cô luôn cố gắng không phải đổ thức ăn thừa.

Vào năm 2015, cô ấy đã nghĩ ra cách không lãng phí hệ thống sản xuất nông nghiệp dựa trên việc sử dụng rơm rạ - một trong những sản phẩm phụ của quá trình sản xuất lúa gạo thường được nông dân Việt đốt sau vụ thu hoạch.

Cụ thể, Khánh Trang đã thiết lập một mạng lưới nông dân địa phương ở toàn miền Bắc Việt Nam, những người sẽ thu gom rơm rạ và sử dụng nó để trồng nấm. Sau khi trồng nấm xong, phụ phẩm còn lại được dùng làm phân bón sinh học để làm màu mỡ cho đất trồng lúa và các loại cây rau màu khác.

Sản phẩm của họ cuối cùng đã được phục vụ tại các khách sạn và nhà hàng cao cấp - một thị trường mục tiêu thích hợp mà Khánh Trang mới khởi nghiệp. Theo SCMP, khách hàng của cô bao gồm cả khách sạn Metropole Hà Nội, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gặp nhau trong hội nghị thượng đỉnh hồi năm ngoái.

Trong khi đó, Andreas đang cộng tác với hơn 600 nông dân địa phương xung quanh trang trại của riêng anh ở làng Sirnajaya, thuộc tỉnh Tây Java, cho dự án khởi nghiệp Horekultura của mình. Mục tiêu của anh là "khơi dậy lợi ích cho một lĩnh vực bị giới trẻ né tránh và coi là vô nghĩa".

Với mục tiêu sản xuất hành lá cho những người bán hàng rong, vụ mùa đầu tiên của Horekultura đã khởi động hồi tháng 5 vừa qua trên mảnh đất thuê gần TP Bandung, cách thủ đô Jakarta khoảng 150km về phía Đông Nam. Andreas cũng cho trồng thêm hoa hướng dương để lấy hạt mà anh dự định bán cho các cửa hàng ăn uống và đồ ăn nhanh trong khu vực. Andreas dự kiến ​​sẽ bán được mỗi kg hành lá với giá 7.000 - 10.000 rupiah (0,50 - 0,70 USD), với mỗi m2 đất cho năng suất 9kg. Một năm có thể thu hoạch 3 vụ.

Bên cạnh đó, Andreas cũng muốn giúp nông dân địa phương nắm bắt các công nghệ mới, như sử dụng vi sinh và cỏ địa phương để làm cho đất khỏe mạnh hơn, giúp cây trồng khỏe hơn và thu hoạch bền vững, cũng như giới thiệu máy móc mới cho nông dân - những người vốn chỉ dùng liềm trong nhiều thập kỷ.

Hơn hết, Horekultura đang điều hành một chương trình thực tập để thu hút thanh niên Indonesia tham gia vào ngành nông nghiệp và cung cấp giáo dục quản lý tài chính cho nông dân. Andreas tựu tin anh có động lực theo đuổi Horekultura như một cầu nối, đưa những người trẻ tuổi trở lại vùng đất mà thế hệ cha ông họ đã gắn bó.
Andreas Ismar (trên cùng bên trái), cùng 2 đối tác tại Horekultura. 
Thành người ngoại quốc tại vùng quê

Không sở hữu mảnh đất riêng nhưng cũng giống như Andreas, Khánh Trang cũng kêu gọi và nhận được sự giúp đỡ của bạn bè đồng trang lứa. Họ gặp nhau ở Mỹ và đều là các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trang đã sử dụng mối quan hệ của mình với những người cùng thế hệ để tiếp xúc với nông dân ở nhiều vùng nông thôn của Việt Nam, nhưng vẫn phải đối mặt với những thách thức riêng.

“Sự khác biệt về văn hóa là khó khăn. Ngay cả khi bạn là người bản địa, bạn vẫn không phải là người địa phương. Bạn sẽ thấy mình bỗng trở thành người nước ngoài ở một vùng quê", Khánh Trang nói với SCMP, "miễn bạn làm được một vụ mùa thành công, mọi người sẽ làm theo bạn".

SCMP dẫn thêm một doanh nhân trẻ khác của Việt Nam là Nguyễn Thị Thu Hương, 27 tuổi, cũng gặp phải thách thức tương tự. Năm 2018, cô tiếp nối truyền thống của gia đình để trở thành nông dân trồng cà phê, đồng thời khuyến khích những người trẻ khác cũng trồng hạt cà phê không hóa chất tại quê hương Đăk Lao, Tây Nguyên, của cô. Khu vực này là nơi sản sinh ra giống cà phê đã đưa Việt Nam trở thành "đại gia" cà phê của thế giới.

"Mọi người xung quanh tôi đều lớn lên bên cà phê. Cha mẹ tôi là nông dân trồng cà phê trong 30 năm, nhưng không ai thực sự hiểu nó là gì", Thu Hương - người đã có vài năm làm nhân viên pha chế tại các chuỗi cà phê lớn ở TP.HCM khi đang theo học ngành du lịch - nói.

Một trong những thay đổi căn bản của Hương là việc chỉ thu hoạch những quả cà phê chín, khi mà nhiều nhà sản xuất cà phê trên thế giới sử dụng quả còn xanh hoặc chưa chín khiến vị đắng hơn. Sau đó Hương cho đem phơi nắng thay vì dùng máy sấy cơ học - phương pháp được nhiều người sản xuất và kinh doanh ở quê cô ưa chuộng, rồi cuối cùng đem rửa sạch và lên men - cách làm hoàn toàn khác với cha mẹ cô.

Thu Hương giải thích: “Mô hình của tôi từ khi thu hoạch hạt cà phê đến thành phẩm dài gấp 3 lần so với những gì cha mẹ tôi từng làm, nhưng là một quy trình mang lại sản lượng cà phê chất lượng cao hơn. Cha mẹ tôi không thích nó và nghĩ rằng quá trình này quá dài và sợ rằng chúng tôi sẽ không còn lời nữa".

Gia đình của Hương cũng không tán thành kế hoạch rời TP.HCM của cô để làm nông dân trồng cà phê như họ, vì cho rằng điều đó là "viển vông". Nhưng sau khi thuyết phục được bố mẹ, cô bắt đầu kinh doanh trên mảnh đất của gia đình mình và từ từ mở rộng sang các thửa đất của những người khác trong xã, áp dụng mô hình của chính mình như cô đã làm.

Cô nói, mục tiêu là sử dụng càng nhiều giải pháp công nghệ thấp càng tốt, vì không phải nông dân nào trong cộng đồng của cô cũng có thể mua được máy móc. Điều này giúp họ có thêm động lực để theo mô hình nuôi của Hương.

Kể từ đó,hạt cà phê của cô được bán khắp tỉnh và ở 3 thành phố lớn nhất Việt Nam - Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, mặc dù cô chưa có bất kỳ hợp đồng nào với các chuỗi cà phê lớn.

Một lựa chọn nghề nghiệp khả thi

Theo SCMP, nông dân thế hệ trẻ ở Việt Nam đang phải đối phó với một biến số mà họ khó kiểm soát được - biến đổi khí hậu. Cả Thu Hương và Khánh Trang đều cho rằng rất khó trồng trọt khi nhiệt độ và lượng mưa thay đổi ngày càng phổ biến, buộc họ phải chuyển sang các loại cây trồng khác nhau hoặc dựa vào nguồn dự phòng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Mervin Chunyi Ang, một nhà khoa học nghiên cứu tại Công nghệ Bền vững & Bền vững cho Nông nghiệp (DiSTAP), thuộc Liên minh Nghiên cứu và Công nghệ Singapore-MIT (SMART), Viện Công nghệ Massachusetts ở Singapore, lạc quan: "Những người nông dân trẻ đang nhận ra rằng các phương pháp canh tác truyền thống sẽ không còn là cách bền vững để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm và dinh dưỡng cho dân số toàn cầu đang gia tăng trong những năm tới. Do đó, nông nghiệp công nghệ cao ngày nay cũng đã được chấp nhận như một lựa chọn nghề nghiệp khả thi, trong bối cảnh ngành công nghiệp đang phát triển".

Trong trường hợp của Andreas, anh có kế hoạch gắn bó lâu dài với trang trại của mình nhưng đồng thời vẫn theo đuổi sở thích viết lách - không nhất thiết là báo chí - một khi dự án nông nghiệp của anh ấy thành công.

Nếu điều đó thành hiện thực, anh sẽ tự tin hơn để nói với bạn bè của mình ở Jakarta rằng có một cuộc sống tốt hơn bên ngoài TP, tránh xa các ô nhiễm, bon chen nơi đất chật người đông: "Có thể đây sẽ là xu hướng trong tương lai, vì nhiều người đang cảm thấy mệt mỏi với sự phức tạp của các TP lớn".