Ngập lụt sâu diện rộng tiếp diễn hầu khắp Thanh Hóa
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mực nước lũ trên sông Mã qua Thanh Hóa và sông Hoàng Long qua Ninh Bình có thể vượt giá trị lịch sử 30-40 năm trước. Mực nước lũ trên sông Hoàng Long sẽ vượt báo động 3 là 1,2m - tương đương với đỉnh lũ lịch sử năm 1985. Mực nước lũ tại sông Mã trên báo động 3 là 1m - tương đương lũ lịch sử năm 1980. Đặc biệt, cả 3 sông Bưởi (qua huyện Thạch Hãn), sông Mã (qua huyện Yên Định và Thành phố Thanh Hóa) và sông Chu (qua huyện Thọ Xuân) đều sẽ vượt mức lũ báo động 3 từ 0,5-1m. Do đó, tình trạng ngập lụt sâu diện rộng sẽ tiếp diễn hầu khắp Thanh Hóa. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3. Ngoài ra, các huyện vùng núi của Thanh Hóa như: Mường Lát, Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Yên Định, Thọ Xuân có nguy cơ sạt lở đất. Tại miền Bắc, lũ sông Thao qua Yên Bái sẽ vượt báo động 3 là 1m.
Tại sông Hồng, do chịu tác động xả lũ từ hồ Hòa Bình cộng với mưa lớn, mực nước có thể lên 10m, trên báo động 1 là 0,5m. Nguy cơ cao xảy ra ngập úng vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ. Không chỉ đề phòng lũ vượt mức báo động, các tỉnh vùng núi phía Bắc cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất như: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2-3. Do tác động của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu áp thấp, nên rạng sáng ngày 12/10 khu vực Bắc Bộ và khắp các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế vẫn có mưa vừa và mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 50-100mm. Riêng vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi trên 150mm. Từ chiều 12/10, mưa ở các khu vực sẽ bắt đầu giảm dần, sau đó có 2 ngày ngừng mưa trước khi đón áp thấp có nguy cơ mạnh lên thành bão vào cuối tuần.
Dự báo ngày 12/10 như sau: Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội có mưa, mưa to và rải rác có dông, riêng Hòa Bình, Yên Bái, Sơn La và khu vực đồng bằng sáng có nơi mưa to đến rất to; đêm có mưa rào rải rác và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 65-98%. Nhiệt độ thấp nhất từ 21-25 độ C, cao nhất từ 27-30 độ C. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 68-98%. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C, cao nhất từ 27-30 độ C. Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và dông vài nơi. Độ ẩm từ 60-96%. Nhiệt độ thấp nhất từ 24-27 độ C, cao nhất từ 30-33 độ C. Khu vực Tây Nguyên có mưa rào và dông vài nơi; riêng chiều tối và đêm có mưa rào và rải rác có dông. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 59-97%. Nhiệt độ thấp nhất từ 21-24 độ C, cao nhất từ 27-30 độ C. Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi, chiều và đêm có mưa rào và rải rác có dông. Gió Tây Nam cấp 2-3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. Độ ẩm từ 60-97%. Nhiệt độ thấp nhất từ 23 - 26 độ C, cao nhất từ 29-32 độ C./.
Hòa Bình: Tan hoang vùng mưa lũ Đà BắcChiều 11/10, UBND tỉnh đã họp khẩn với các ngành, các địa phương phân công nhiệm vụ, chủ động ứng phó với đợt mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp.Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 14 người chết và mất tích do bị sạt lở và lũ cuốn, 2 người bị thương trên địa bàn các huyện Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kim Bôi. Trước đó, vào sáng cùng ngày UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1946/QĐ-UBND công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai do mưa lớn trên địa bàn tỉnh.Đà Bắc là địa phương chịu mất mát về người nhiều nhất với 3 người chết, 7 người mất tích. Hiện còn 10 người mất tích chưa tìm thấy thi thể. Các thiệt hại về tài sản, hoa màu, giao thông, thuỷ lợi rất lớn. Theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm 19h30 ngày 11/10, do mưa lớn kéo dài nước dâng cao ở các ngầm, trục đường 433 sạt lở ở nhiều nơi đã làm 14 xã vùng cao của huyện bị chia cắt, cô lập. Đặc biệt mưa lớn đã gây ra lũ ống, lũ quét tại nhiều xã đã làm sập hơn 40 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn và hơn 100 nhà dân bị có nguy cơ bị đổ, phải sơ tán. Mưa lớn nước hồ xóm Cháu xã Tu Lý dâng cao đã phá đi 1/3 thân đập gây nguy hiểm có thể vỡ đập, hồ Nà Rồng, thị trấn Đà Bắc nằm trong tình trạng vỡ, chính quyền địa phương đã sẻ thân đập để tiêu nước. Khoảng 100 ha lúa, hoa màu của người của bà con nhân dân dọc các suối bị đất cát vùi lấp. Có bản 12 ngôi nhà sàn thì 11 ngôi nhà bị nước lũ và đá dập phá, gây ảnh hưởng. Trong đó, có 3 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn; 5 ngôi nhà bị xiêu vẹo đổ nát, hư hỏng nặng.
Yên Bái: Ước tính thiệt hại khoảng 120 tỷ đồngTính đến 18h ngày 11/10, toàn tỉnh đã bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, số người chết tăng lên 4 người, 11 người mất tích và 7 người bị thương. Nhiều tuyến giao thông trọng yếu bị sạt taluy, ngập sâu, gây chia cắt nhiều địa phương.Trong 4 người chết (đều do lũ cuốn trôi) có 3 người ở huyện Trạm Tấu, 1 người ở huyện Văn Yên; 11 người mất tích tại huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ; 3 người nghi mất tích do sập cầu Suối Thia tại Nghĩa Lộ.Ngoài ra, mưa lũ cũng đã gây thiệt hại cho trên 1.000 ngôi nhà và nhiều tài sản, hoa màu của nhân dân, nhiều công trình giao thông trọng yếu đi các huyện phía Tây.Hiện, huyện Trạm Tấu vẫn bị cô lập do con đường độc đạo từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện đã sạt lở taluy hàng trăm điểm.Thiệt hại về nhà tăng lên 1.108 nhà, trong đó 46 nhà bị sập trôi hoàn toàn.Mưa lớn làm sạt lở 3.190 m kè (Văn Chấn 950m, Nghĩa Lộ 2.240m), 1 nhà văn hóa, phường Cầu Thi bị sập hoàn toàn. Cầu Ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ bị sập 2 nhịp, 1 cầu treo xã Hát Lừu và 1 cầu sắt xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu bị cuốn trôi. Sạt lở ta luy ở khu vực ga Lâm Giang, huyện Văn Yên với khối lượng 70.000m3, sạt đường giao thông tại thị xã Nghĩa Lộ là 1.250m; quốc lộ 32, lý trình 264 + 274 tại khu vực đèo Khau Phạ bị sạt lở ta luy làm tắc đường; … Ước thiệt hại khoảng 120 tỷ đồng.
Sơn La: 5 người chết
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong 2 ngày 10-11/10, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa lớn kéo dài gây lũ trên các sông, suối làm thiệt hại về người và tài sản.Theo thông tin ban đầu toàn tỉnh có 11 người chết, bị thương và mất tích; trong đó, 5 người bị chết ở các xã Ngọc Chiến (Mường La) và xã Liên Hòa, Lóng Luông (Vân Hồ), Huy Hạ (Phù Yên); 3 người bị mất tích ở xã Song Khủa, Lóng Luông (Vân Hồ) và 3 người bị thương ở huyện Bắc Yên và Phù Yên. Mưa lũ còn làm hư hỏng 64 nhà, 9 nhà phải di dời khẩn cấp; trôi ngập 43 ha lúa, làm hư hỏng 1 cầu treo, ngập 1 trường mầm non và trụ sở UBND xã Tân Lập (Mộc Châu).
Thanh Hóa: 8 người chếtDo ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9 đến ngày 11/10, ở hầu hết các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to và rất to, lượng mưa phổ biến từ 200-400 mm. Lượng mưa lớn nhất đo được tại Bát Mọt (Thường Xuân) là 599 mm, Lý Nhân (Yên Định) là 490 mm, Cửa Đạt (Thường Xuân) là 474,5mm... Hiện nay, mực nước sông Cầu Chày, sông Bưởi, sông Chu, sông Mã... vẫn đang tiếp tục dâng cao.Theo báo cáo nhanh của các địa phương, tính đến 17h ngày 11/10, toàn tỉnh có 8 người chết, 3 người bị thương, 4 người mất tích, 39 nhà sập hoàn toàn, 6.103 nhà bị ngập, 9 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Có 423 ha lúa bị ngập; 2,5 tấn lúa đã thu hoạch bị cuốn trôi; 5.541 ha ngô bị ngập, đổ, gãy; 573 ha mía bị thiệt hại; 14.537 ha rau màu bị ngập, hư hỏng; 142 ha cây ăn quả bị ngập; 1,5 ha cây công nghiệp bị đổ, gãy; hơn 4.789 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; 1.128 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi; 6 đập dâng nhỏ bị sạt lở, hư hỏng; 6 đập đất bị sạt lở; 7 hồ nhỏ và 514 m bị sạt lở; 119 m kênh mương sạt lở, hư hỏng; 5 cống bị hư hỏng; 311 m đê bị vỡ, sạt lở. Quốc lộ 217 bị sạt lở 1.200m3... đường giao thông liên huyện, xã bị sạt lở hàng nghìn m3; 25 cột điện bị đổ.
Nghệ An: 8 người chết vì mưa lũVăn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến ngày 11/10, trên địa bàn tỉnh đã có 8 người chết vì mưa, lũ thuộc các huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Quỳ Hợp, Thị xã Hoàng Mai, Đô Lương và Nam Đàn. Trong đó, huyện Quỳ Hợp, Đô Lương, mỗi huyện có 2 người chết.Mưa lũ đã khiến 34 nhà dân bị sập, gần 1000 hộ bị ngập nước (Nghĩa Đàn: 97 hộ; Quỳnh Lưu: 445, Quỳ Hợp 171, Thái Hòa : 163, Quỳ Châu: 42, Tân Kỳ: 41, Thanh Chương: 15, Anh Sơn: 20, Tương Dương: 2, Hoàng Mai: 2, Nam Đàn: 1).Mưa lớn làm nước sông lên cao gây sạt lở bờ sông Lam, kè bảo vệ đê Tả Lam (địa bàn xã Hưng Hòa, thành phố Vinh; xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên; xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, đê Tả Lam phía hữu huyện Thanh Chương, xã Nam Trung huyện Nam Đàn, sông Rộ, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương...); gây sạt lở đất bờ sông Lam sát nhà dân , thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông và có vết nứt dọc mép hành lang đường quốc lộ 7 chiều dài khoảng 25m.Mưa lũ gây sạt lở 100 mét ở núi Rậm, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, núi Nhón xã Hưng Thắng huyện Hưng Nguyên, 812 mét đường giao thông địa phương bị sạt lở; cầu loại nhỏ, cầu tràn, cầu tạm bị hư hỏng, sạt lở; cống giao thông nội đồng bị hư hỏng: 140 cái...
Hà Tĩnh: Nhiều huyện miền núi bị nước lũ chia cắtTheo báo cáo nhanh của Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, tính đến thời điểm 11/10, Hà Tĩnh đã có khoảng 1.500 hộ dân bị ngập úng, một số vùng trũng vẫn đang bị nước lũ chia cắt, trên 500 ha hoa màu bị hư hỏng hoàn toàn, hơn 2.000 con gia cầm, gia súc bị nước cuốn trôi... Mưa lũ lớn kéo dài cũng đã khiến nhiều huyện miền núi trên địa bàn tỉnh bị nước chia cắt, hơn 14.000 học sinh vẫn phải nghỉ học. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã tại 16 xã thuộc các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh bị ngập, hư hỏng nghiêm trọng.