Hơn 70% ao hồ bị ô nhiễm
Hà Nội có hệ thống ao hồ, sông và kênh khá dày đặc. Riêng khu vực nội đô có hơn 110 ao, hồ lớn nhỏ, và một số con sông lớn chảy qua như sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tích…
Hồ Ngọc Khánh đang được xử lý ô nhiễm bằng công nghệ vi sinh.Ảnh: Giang Đức
Tuy nhiên, sau nhiều năm đô thị hóa, diện tích ao, hồ của Hà Nội đã bị giảm rất nhiều. Thậm chí, có ao, hồ đã biến mất hoàn toàn do hoạt động san lấp, lấn chiếm của con người và hiện tượng sạt lở tự nhiên hàng năm không được kè bờ. Đáng báo động là hiện tượng ô nhiễm nước ao, hồ và bồi lắng bùn đáy đang là vấn đề bức bách cần sớm giải quyết. Thực tế, hầu hết các hồ đều có nước thải chảy vào, đảm bảo chức năng điều hòa, nhưng lại không có hệ thống xử lý nguồn nước, nên đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện tượng các hồ bị tảo xanh, tảo độc khá phổ biến. Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt thải đổ không đúng quy định cũng là một nguyên nhân dẫn đến gia tăng ô nhiễm ao, hồ.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng, 71% ao hồ ở Hà Nội có chỉ số đánh giá ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép, 14% bị ô nhiễm hữu cơ rất nặng, 32% bị ô nhiễm nhẹ. Nhiều ao hồ chưa được xây kè đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, nơi xả rác thải sinh hoạt, hoặc bị chiếm dụng để kinh doanh… Các hồ nổi tiếng tại Thủ đô như Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch đang dần bị chiếm dụng. Xung quanh các hồ, nước thải sinh hoạt xả ra từ các nhà hàng nổi gây ô nhiễm mặt hồ. Mặc dù đã được tuyên truyền nhưng ý thức của người dân vẫn chưa được cải thiện. Tình trạng vứt rác và đốt rác ngay cạnh hồ vẫn diễn ra.
Triển khai các công nghệ xử lý ô nhiễm đạt chuẩn
Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phối hợp với Sở TN&MT tổ chức hội nghị thông báo kết quả chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn TP giai đoạn 2009 - 2012. Sau hai giai đoạn thử nghiệm (2009 - 2010) và nhân rộng (2010 - 2012), toàn TP đã xử lý ô nhiễm môi trường được 12 hồ trên địa bàn nội đô. Kết quả cho thấy, các công nghệ được lưạ chọn đều phát huy hiệu quả. Chất lượng nước tại các hồ đã được cải thiện, đã tách được nước thải hoặc ngăn nước thải chảy vào hồ; giảm mùi hôi rõ rệt; giảm hiện tượng cá chết; vệ sinh môi trường và cảnh quan hồ được cải thiện hơn.
Sau khi đánh giá, cơ quan chức năng đã lựa chọn 4 công nghệ đạt yêu cầu về xử lý chất lượng nước. Trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục duy trì chất lượng nước các hồ đã xử lý. Đối với các hồ khác đang ô nhiễm, các đơn vị quản lý hồ tiếp tục điều tra, phân loại mức độ ô nhiễm và thực hiện xử lý bằng các công nghệ đã thử nghiệm thành công. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các công nghệ mới hiệu quả và phù hợp với điều kiện của TP. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường các hồ trên địa bàn TP.
"Tới đây, TP Hà Nội sẽ triển khai rộng các công nghệ xử lý phát huy hiệu quả; tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở dịch vụ xung quanh hồ cũng như ở trên hồ đảm bảo được việc xả thải đủ tiêu chuẩn. Đồng thời, vận động nhân dân sống quanh khu vực ao, hồ cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường." Ông Phạm Văn Khánh Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội |