Những yếu tố tác động lên thị trường
Về yếu tố vĩ mô, các chỉ số như sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, xuất khẩu, giải ngân vốn FDI đều giảm trong tháng 8. Chuyên gia chứng khoán tại Công ty Cổ phần chứng khoán SSI cho rằng: Triển vọng thị trường trong ngắn hạn hiện đang ở trạng thái chưa được xác định rõ ràng, do chưa có thể đánh giá hết những ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 đối với hoạt động kinh tế, cũng như thời điểm chính thức thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có thể quay trở lại các hoạt động giao thương trong điều kiện bình thường mới.
Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, quyết định phục hồi kinh tế vào cuối năm 2021. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine. Trong đó, vaccine sẽ về nhiều trong tháng 9, dự kiến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ tiêm đạt 100% số người dân từ 18 tuổi trở lên.
Thủ tướng Chính phủ nêu quyết tâm phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9 và mở cửa dần trở lại các hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Bộ Y tế yêu cầu 5 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai phải hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 15/9.
Theo SSI, trong quý 3, việc lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể tăng trưởng chậm lại hoặc sụt giảm so với cùng kỳ sẽ không quá bất ngờ khi hoạt động tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu hiện đều sụt giảm do tác động của dịch bệnh. Theo ước tính của SSI, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 và 2022 dự kiến vẫn tăng trưởng 29% và 15% so với cùng kỳ. Theo đó, mức định giá P/E trung bình trong năm 2021/2022 hiện tại là 15,0x/13,1x dựa trên mức giá đóng cửa ngày 6/9/2021.
Tuy nhiên với việc nới lỏng giãn cách một cách thận trọng kỳ vọng có thể diễn ra từ quý 4, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được mong đợi sẽ kích hoạt một quá trình hồi phục kinh tế mới.
Chất xúc tác hiện tại cho TTCK nằm ở chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nới lỏng vẫn còn dư địa. SSI dự báo, lạm phát trong năm 2021 ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với lạm phát mục tiêu của Chính phủ là 4%. Trong giai đoạn khó khăn hiện tại của dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đồng ý cho một số ngân hàng thương mại nới room tín dụng, nới lỏng chính sách tiền tệ trong điều kiện lạm phát được kiểm soát. Chính sách tài khóa nới lỏng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong và sau dịch.
Dịch bệnh kéo dài đã ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 8 tháng đầu năm khi chỉ đạt 41,7% kế hoạch Thủ tướng đưa ra. Tuy nhiên, tương tự như năm 2020, đầu tư công được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh trong Quý 4 nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế hậu dịch.
Kịch bản nào cho đầu tư chứng khoán cuối năm?
Nhịp điều chỉnh của TTCK từ ngày 19/8 đến đầu tháng 9, có thể đã phản ánh một phần số liệu vĩ mô kém khả quan của tháng 8 và tâm lý nhà đầu tư cho thấy đã cân bằng hơn bằng nhịp hồi phục ngắn sau đó. Hiện tại định hướng và kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế có thể là chỉ báo của thị trường. Mặc dù vậy, khi số ca nhiễm vẫn đang duy trì ở mức cao, đồng thời TTCK cần thêm các phiên xác nhận xu hướng.
SSI cho rằng, chỉ số VN-Index có thể vận động theo 2 kịch bản trong những tháng cuối năm 2021. Cụ thể, Kịch bản khả quan: Định hướng và lộ trình mở cửa lại nền kinh tế được Chính phủ cụ thể hóa, tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn. Nhịp điều chỉnh được xác nhận kết thúc khi chỉ số VN-Index phá vỡ thành công kháng cự 1.350 điểm đi cùng với khối lượng lớn. Khi đó, mục tiêu gần của chỉ số VN-Index là khu vực 1.380 điểm. Tín hiệu để kịch bản này diễn ra là chỉ số VN30 hoặc phần lớn các cổ phiếu vốn hóa trụ cột thu hút dòng tiền trở lại sau các tín hiệu cân bằng trong những phiên gần đây.
Kịch bản thận trọng: Lộ trình mở cửa lại nền kinh tế không như dự kiến sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, do rủi ro triển vọng tăng trưởng lợi nhuận kém kéo dài. Chỉ số VN-Index có thể quay lại với trạng thái điều chỉnh, trước khi tìm kiếm điểm cân bằng tại vùng hỗ trợ 1.300 – 1.285 điểm và hồi phục trở lại.
Theo Công ty Chứng khoán VPS, cho dù ở kịch bản nào thì thị trường vẫn có những điểm sáng cho đầu tư chứng khoán. Bởi trong dịch bệnh, một số DN vẫn “sống khỏe”. Cụ thể Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán SSI với mã chứng khoán (CK) SSI, 8 tháng đầu năm, công ty mẹ đã đạt 1.872 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, cao hơn kế hoạch hợp nhất 1.870 tỷ mà Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên đã thông qua. Đây là công ty đầu tiên trong nhóm những công ty đặt kế hoạch lợi nhuận nghìn tỷ đã hoàn thành kế hoạch.
CTCP Chứng khoán VNDirect, với mã CK (VND) vừa điều chỉnh kế hoạch doanh thu hoạt động năm 2021 lên 3.951 tỷ đồng, tăng 55% so với kế hoạch ban đầu. Lợi nhuận trước và sau thuế tăng 82% lên lần lượt 2.000 tỷ đồng và 1.600 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam, mã CK MSB vừa được Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận cho tăng vốn điều lệ thêm 3.525 tỷ đồng từ mức hiện tại lên 15.275 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Than đang thiếu nguồn cung nghiêm trọng. Ấn Độ phải kêu gọi các ‘mỏ riêng’ tăng sản lượng than. Giá quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc lên cao kỷ lục trong tháng 8, bất chấp nhà chức trách nước này nỗ lực giảm sản lượng thép và kiểm soát giá hàng hóa.
Ngoài ra, các đơn vị trong ngành vận tải, cảng biển, bất động sản công nghiệp trong dịch bệnh vẫn ăn lên, làm ra, bởi nhu cầu kết nối cung – cầu và đầu tư sản xuất, kinh doanh.
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An với mã CK (HAH) bất chấp sự bùng phát của dịch COVID-19 và tác động của đại dịch đến các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, HAH đã tìm được cách để vượt qua khó khăn, đưa đội tàu ra thị trường quốc tế. SSI ước tính lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (NPATMI) lên 330 tỷ đồng, tăng 139% trong năm 2021 và 566 tỷ đồng, tăng 71% trong năm 2022, cao hơn lần lượt 18% và 67% so với ước tính trước đó.
HAH vừa thông qua kế hoạch đầu tư đội tàu container đầy tham vọng trong giai đoạn 2021 – 2024 với việc gia tăng tổng trọng tải đội tàu thêm 55%. Đây là một bước chuyển trong chiến lược của công ty hướng đến đẩy mạnh mở rộng mảng vận tải biển nhằm tận dụng các điều kiện thuận lợi của thị trường.
Ngành dịch vụ bán lẻ cũng bị ảnh hưởng trong tháng 7 và 8 do đóng cửa các chợ truyền thống và chợ đầu mối, tuy nhiên lại giúp các cửa hàng bán lẻ, siêu thị đạt doanh thu cao kỷ lục. Nhu cầu sử dụng các mặt hàng điện tử dự báo tiếp tục tăng mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại, do đó các mặt hàng tiêu dùng thiếu yếu và điện tử đều tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc các DN bán lẻ kể cả hàng tiêu dùng thiếu yếu, hàng điện tử sẽ tăng doanh thu và lợi nhuận.
Với phân tích kể trên, các công ty chứng khoán cho rằng, cổ phiếu vẫn sinh lời những tháng cuối năm kể cả dịch bệnh chưa kết thúc như: HAH, GMD, IDC, MSN, MWG, QNS, SLS, TCB, TPB, CTG, VPB, HPG, HSG, GAS, VOS, SSI, HCM, VIX …