Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lựa chọn khó khăn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chín năm sau cuộc "Cách mạng Cam", những dư âm về bất ổn, bạo lực lại một lần nữa ám ảnh người dân Ukraine với các cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người kéo dài suốt từ cuối tháng 11 đến nay.

 Và sự thất bại của cuộc đối thoại toàn dân tộc diễn ra cuối tuần qua cho thấy phải mất nhiều thời gian nữa cuộc khủng hoảng chính trị này mới có thể chấm dứt.

Sóng gió mới

Trong lúc "Đoàn kết Ukraine" - cuộc đối thoại dân tộc thứ 3 kể từ hôm 12/12 đến nay kết thúc mà không đạt được kết quả khả quan nào, gần 200.000 người đã tụ tập tại thủ đô Kiev nhằm phản đối việc chính phủ quyết định rút khỏi một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU). Kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký Thỏa thuận Liên kết Ukraine - EU, những người ủng hộ phương Tây đã dốc sức vào các cuộc biểu tình được ví như "canh bạc cuối cùng" để lật đổ chính quyền.
Làn sóng người biểu tình phản đối chính phủ tại Ukraine.            Ảnh: AFP
Làn sóng người biểu tình phản đối chính phủ tại Ukraine. Ảnh: AFP
Và không biết vô tình hay hữu ý, những động thái này đã buộc Ukraine phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa việc tiếp tục duy trì mối quan hệ với "người thầy cũ" Nga mà phía Đông nước này theo đuổi hay chuyển sang thắt chặt quan hệ với đồng minh tương lai EU mà những người phía Tây ủng hộ.

Đối đầu Nga - EU

Không phải đến bây giờ đối đầu Nga - EU trên quốc gia Trung Âu này mới diễn ra. Gần 10 năm trước, Ukraine đã là miếng ghép trung tâm trong bản đồ phục hưng ảnh hưởng của nước Nga thời hậu Xô Viết được Tổng thống V.Putin dày công gây dựng. Trong khi đó, với EU, Ukraine là một mảnh ghép không thể thiếu trong việc "áp sát" lãnh thổ nước Nga, kìm chế ảnh hưởng của "gấu Misa" với phần lãnh thổ châu Âu.

Vì thế, các hiệp định thiết lập Khu vực tự do thương mại, liên kết kinh tế được EU chào hàng Kiev hay các hợp đồng mua dầu giá rẻ, các khoản vay khổng lồ từ các doanh nghiệp của Nga chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Sâu xa hơn, việc lôi kéo Ukraine còn phải dựa vào "quyền lực mềm" mà các phe phái chính trị nhiều ảnh hưởng tại quốc gia này hướng theo. Và, trong cuộc "kéo co chính trị" này, nếu phía Đông giành phần thắng, Ukraine sẽ ngả theo Moscow, nếu phía Tây giành được lợi thế, EU sẽ xác lập được ảnh hưởng của mình tại đây.

Trên thực tế, ẩn sau các cuộc biểu tình mang hơi hướng của các cuộc cách mạng sắc màu tại Kiev, ngoài cuộc chiến quyền lực giữa chính phủ và phe đối lập mà xa hơn nó còn là cuộc chiến địa - chính trị giành giật thị trường và ảnh hưởng giữa Nga - EU. Dù phần thắng thuộc về ai, người dân Ukraine vẫn là những nạn nhân đầu tiên và lớn nhất do bất ổn chính trị đã kìm hãm đà tăng trưởng của kinh tế, vốn đã quá rơi vào tình cảnh èo uột suốt mấy năm qua.