Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lừa đảo học sinh đang cấp cứu, các đối tượng đối diện hình phạt nào?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Liên quan các vụ lừa đảo học sinh đang cấp cứu, luật sư cho biết, dù chiêu trò mới, nhưng mục đích cuối cùng của các đối tượng vẫn là chiếm đoạt tài sản. Tuỳ tính chất, mức độ của hành vi, các đối tượng có thể bị xử phạt lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Mất hàng trăm triệu đồng vì lừa đảocon cấp cứu

Tối 6/3, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn chấn chỉnh công tác liên lạc giữa nhà trường và gia đình, sau khi nhiều phụ huynh mất hàng trăm triệu đồng vì lừa đảo “con cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy”.

Các phụ huynh cần đề phòng lừa đảo... “con cấp cứu". Ảnh minh hoạ
Các phụ huynh cần đề phòng lừa đảo... “con cấp cứu". Ảnh minh hoạ

Động thái này của Sở GD&ĐT được đưa ra ngay sau thông tin cùng ngày 6/3, nhiều phụ huynh các trường công lập thuộc quận 1, quận Tân Bình nhận được những cuộc gọi lừa đảo với màn kịch "con đang cấp cứu ở bệnh viện, cần chuyển tiền gấp để phẫu thuật".

Trong đó, có 3 người phụ huynh đã chuyển cho số tài khoản lạ lần lượt là 200, 50 và 20 triệu đồng. Cụ thể, ông N.Đ.N. (quận Tân Bình) là bố em M.K đang học lớp 11 ở một trường quốc tế thuộc quận 7. Theo ông N., có người tự xưng là thầy giáo gọi điện báo con bị ngã chấn thương sọ não, chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Họ yêu cầu gia đình ông chuyển tiền nhanh để bác sĩ mổ gấp. Ông N. đã chuyển 200 triệu đồng cho đối tượng trên.

Trước đó, ngày 3/3, một phụ huynh cũng đến Bệnh viện Chợ Rẫy và cho biết đã chuyển 200 triệu cho người lạ vì nghe tin con gặp nạn. Tuy nhiên, trên thực tế, cháu bé đang ở lớp học.

Kịch bản chung của những kẻ lừa đảo là gọi điện thoại cho phụ huynh, báo tin con phải cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cần tiền ứng trước để mổ. Một số phụ huynh điện thoại cho nhà trường hoặc giáo viên nhưng không liên hệ được và nhanh chóng chuyển tiền vì lo lắng.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Chiêu trò là mới nhằm chiếm đoạt tài sản

Liên quan vụ việc, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, khi các công nghệ mới xuất hiện, các đối tượng tấn công mạng, lừa đảo sẽ tìm cách để lợi dụng, khai thác các thông tin cá nhân của người dùng, sau đó sử dụng các thông tin này cùng với các chiêu trò của mình đánh vào điểm yếu nhất là tâm lý hoang mang lo lắng của mọi người, tình yêu thương của cha mẹ nhằm thực hiện chiếm đoạt tài sản.

Dù chiêu trò là mới, nhưng mục đích cuối cùng của các đối tượng vẫn chỉ là chiếm đoạt tài sản. Theo đó, các đối tượng thực hiện các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.  Tuỳ tính chất, mức độ của hành vi mà các đối tượng có thể bị xử phạt lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Qua vụ việc trên, mọi người cần chú ý vấn đề bảo mật thông tin cá nhân thật tốt. Khi nhận được các cuộc gọi như vậy nên cố gắng giữ bình tĩnh, liên hệ với bệnh viện để kiểm tra thông tin của con, cũng như qua bạn bè, giáo viên, người thân khác để kiểm tra con. Bên cạnh đó, liên hệ với cơ quan công an gần nhất để yêu cầu hỗ trợ, xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm.