Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật đủ mà không làm thì không có tác dụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Quốc hội hoạt động không thực chất, đánh trống bỏ dùi thì người dân chán ngay” - đó là vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc đến khi cho ý kiến về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Khóa XIII.

Rất mừng rằng, thành công nhất của Quốc hội nhiệm kỳ vừa qua là được Nhân dân ủng hộ, đồng tình, nhưng những hạn chế được chính Quốc hội chỉ ra cũng là bài học cho một nhiệm kỳ tới đang được khởi đầu từ cuộc bầu cử.

Thẳng thắn nhìn vào tồn tại

Có thể nói rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, các hoạt động từ lập pháp, quyết định, giám sát thúc đẩy hoạt động của toàn bộ hệ thống bộ máy Nhà nước. Chính phủ và các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc và nhờ vậy tạo chuyển động về mọi mặt. Tuy vậy, chính “những người trong cuộc” cũng nhận thấy rằng, vẫn còn không ít hạn chế phải thẳng thắn chỉ ra, đó là trong một số kết quả giám sát chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, chưa kiến nghị các biện pháp xử lý thích hợp nên hiệu quả chưa cao. Việc quyết định một số vấn đề quan trọng trong một số trường hợp chất lượng chưa cao; việc đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước chưa bảo đảm sát thực tế.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước phát biểu ý kiến. 		 		Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi góp ý vào báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội đã cho rằng, cần chỉ ra hạn chế, tồn tại cũng như rút ra những kinh nghiệm cho khóa mới thực hiện tốt hơn. “Chống lãng phí, tiêu cực, thất thoát, tham nhũng thì từ hoạt động quyết định, giám sát, chất vấn, xây dựng luật chưa thực sự tạo chuyển động. Luật đủ mà không làm thì chẳng có tác dụng gì cả. Giám sát làm rất nhiều nhưng tác dụng còn hạn chế. Đó là khuyết điểm và vai trò, trách nhiệm của Quốc hội đấy” - Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.

Hay giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của Quốc hội chưa rõ. Dù Quốc hội Khóa XIII đánh dấu lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá người được Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhưng, cả nhiệm kỳ chưa bỏ phiếu tín nhiệm ai cả…. Và việc lấy phiếu tín nhiệm có hiệu quả nhưng hiệu quả như thế nào cần có tham khảo các đánh giá khác để rút ra kinh nghiệm cho những lần tiếp theo.

Vai trò ĐB có khi vẫn lu mờ

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đã bày tỏ những nuối tiếc khi cả một nhiệm kỳ chỉ có một sáng kiến pháp luật nhưng chưa được chấp thuận. Do đó sắp tới phải làm sao hướng đến cho ĐB và các tổ chức xã hội phát huy trí tuệ và chuyên môn của mình đề xuất dù một điểm, một chương. “500 ĐB Quốc hội, nhưng hiện tại việc xây dựng luật nhờ vào các cơ quan Quốc hội là chính, vai trò ĐB còn lu mờ. Sắp tới cần làm mạnh sáng kiến pháp luật, làm từng điều, từng chương. Rất cân nhắc với việc muốn làm hoàn chỉnh một bộ luật” - ông K’sor Phước kiến nghị.

Hoạt động giám sát của Quốc hội ra Nghị quyết có địa chỉ, có vấn đề, đối tượng; nhiều lĩnh vực trước đây còn ít “đụng” đến như công an, tòa án thì nay đều được đem ra Quốc hội để thấy rõ vai trò, trách nhiệm. Đó là mặt được của hoạt động giám sát, nhưng như nhiều ý kiến cho rằng, tiếng nói cử tri “rầm rầm đến cửa Quốc hội” mà vẫn không xử lý được, như tắc đường ngày càng nghiêm trọng; vấn đề tài chính ngân sách, nợ công; chương trình mục tiêu quốc gia; vấn đề nông sản hàng hóa; vấn đề công bằng xã hội… vẫn còn rất nhiều nhức nhối. Công tác quản lý Nhà nước của Chính phủ, của các bộ chưa phải là tốt. Tình trạng đó cũng nói lên rằng, vai trò giám sát của Quốc hội, của các cơ quan Quốc hội cũng chưa phải là tốt. Như nhận xét của nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: “Về cơ bản chúng ta đã nêu được các hiện tượng, nhưng quy trách nhiệm là chưa rõ ràng, chưa đi đến cùng”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần đánh giá cụ thể chất lượng ĐB Quốc hội. Bởi năng lực, trình độ chuyên môn của ĐB Quốc hội có ý nghĩa quyết định tới việc nâng cao hiệu quả hoạt động chung của Quốc hội. Như Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị, cần đề cập việc Quốc hội bãi miễn 2 ĐB không đáp ứng yêu cầu trong Khóa XIII, từ đó rút kinh nghiệm cho khóa tới. Liên quan tới từng cá nhân ĐB, chính trong dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội cũng nêu nhận xét: "Có ĐB thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực, có những phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, thậm chí có ĐB vi phạm pháp luật gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và Nhân dân cả nước".

Từ những bài học có được từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, nhiều ý kiến bày tỏ rằng, đây sẽ là thực tiễn giúp cho Quốc hội Khóa XIV, trước hết lựa chọn được những ĐB chất lượng, lấp được những “khoảng trống” còn tồn tại trong hoạt động của cơ quan dân cử cao nhất.