Luật Phòng chống tác hại rượu, bia cần đặt sức khỏe lên đầu

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/11, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo “Cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống tác hại của rượu, bia và khuyến nghị của các tổ chức phi chính phủ đối với dự án Luật phòng chống tác hại của rượu bia”.

Theo đó, đã có 10 thư kiến nghị, góp ý của 6 tổ chức trong nước và quốc tế khuyến nghị Chính phủ Việt Nam thực thi các chính sách phòng, chống tác hại của rượu bia.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết, việc xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu, bia hiện nay đang chịu sự giằng xé giữa lợi ích sức khỏe và lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của nhiều tổ chức, cần đặt lợi ích bảo vệ sức khỏe Nhân dân và phát triển bền vững đất nước ưu tiên hàng đầu trong xây dựng luật.
Ông Quang dẫn chứng, nhiều người sẽ hiểu rằng chỉ khi lạm dụng rượu, bia mới gây hại. Nhưng thực tế, bia rượu không có ngưỡng gọi là an toàn. Chỉ cần vài chén rượu, biêng biêng đi đường đã có thể gây tai nạn, thiệt mạng. Thậm chí, đã có trường hợp trẻ 11 tuổi bị bạn thách uống rượu nên đã uống hết 1 lít rượu và phải đi cấp cứu.
Ông Quang cũng khẳng định, Bộ Y tế thể hiện cam kết quốc tế của mình thông qua các con số cụ thể. Trước đó, trong kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên hợp Quốc, Việt Nam đã cam kết đặt mục tiêu giảm 20 - 25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; Mục tiêu giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030).
Tuy nhiên, việc đạt được các mục tiêu trên rất khó khăn nếu không có một hành làng pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bởi hiện tại, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động với mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít năm 2016.
Đặc biệt là tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể: 44,2% nam giới và 1.2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên). Do đó, sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.