Đã trình 5/5 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Theo Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý, trong Quý I/2024, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, đầy đủ và đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả nổi bật.
Trong Quý I/2024, Bộ Tư pháp đã trình 5/5 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm tiến độ trình Quốc hội đúng thời hạn các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền; chẳng hạn như: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
"Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; tập trung hoàn thiện các dự án Luật, nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua tại Kỳ họp thứ 7 trong lĩnh vực quản lý của Bộ như: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản" - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định, đề nghị xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL. Từ ngày 01/01/2024 – 31/3/2024, trên cơ sở đề nghị thẩm định của các Bộ, ngành gửi về, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 8 đề nghị xây dựng VBQPPL; 34 dự án, dự thảo VBQPPL.
Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát VBQPPL tiếp tục được quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn ban hành văn bản của các bộ, ngành, địa phương và sự phản ánh, kiến nghị của cơ quan báo chí, người dân, tổ chức; tổ chức triển khai thực hiện các Quyết định về việc kiểm tra văn bản theo chuyên đề.
Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định công bố Danh mục văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp năm 2023, góp phần minh bạch, dễ tiếp cận các VBQPPL thuộc lĩnh vực Bộ Tư pháp quản lý; báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 và Kế hoạch công tác năm 2024 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL.
Bên cạnh đó, thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về xem xét, xử lý kết quả rà soát hệ thống VBQPPL, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức xem xét, xử lý đối với kết quả rà soát hệ thống VBQPPL.
Theo đó, ngày 01/4/2024, Bộ Tư pháp đã có Tờ trình số 34/TTr-BTP báo cáo của Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024. Bộ Tư pháp cũng đã hoàn thành nhiệm vụ được giao thêm về rà soát, đề xuất phương án, lộ trình xử lý hơn 500 thủ tục hành chính theo 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.
Quán triệt quy định mới của Luật Đất đai 2024 kịp thời, hiệu quả
Theo Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý, trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm phổ biến, quán triệt quy định mới của Luật Đất đai năm 2024 trong ngành Tư pháp, ngày 22/3/2024, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai Luật Đất đai năm 2024 với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.
Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý... tiếp tục được tăng cường. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tiếp tục hoàn thiện đối với các dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, như: Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và một số văn bản hướng dẫn thi hành khác.
Công tác thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, như: Xử lý vi phạm hành chính, bồi thường nhà nước, kiểm tra VBQPPL, công chứng, trợ giúp pháp lý... được chú trọng thực hiện. Trong hoạt động trợ giúp pháp lý, cả nước đã thụ lý 5.330 vụ việc TGPL tham gia tố tụng và có 3.160 vụ việc kết thúc. Tất cả các vụ việc thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng khá trở lên.
Bên cạnh đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công an nghiên cứu đẩy nhanh việc kết nối các phần mềm phục vụ thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dựng VneID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế; thực hiện phân quyền cho Sở Tư pháp tra cứu thông tin có trong cơ sở dữ liệu LLTP của Trung tâm LLTP quốc gia. Theo đó, tính đến nay có 56/63 Sở Tư pháp thực hiện thử nghiệm tính năng phân quyền.
Công tác cải cách hành chính được Bộ Tư pháp chỉ đạo thực hiện thường xuyên, đạt nhiều kết quả tích cực. Việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Tư pháp chú trọng thực hiện. Bộ đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về rà soát VBQPPL phục vụ triển khai Đề án; tiếp tục hoàn thiện các tính năng kỹ thuật Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, kịp thời hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai 02 nhóm TTHC liên thông liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử.
Tập trung hoàn thiện các dự án Luật, nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội
Theo Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý, trong thời gian từ nay đến hết Quý II/2024, Bộ Tư pháp tập trung hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; các Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp…
Cùng đó, tiếp tục tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; tập trung hoàn thiện các dự án Luật, nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến hoặc thông qua tại Kỳ họp thứ 7 trong lĩnh vực quản lý của Bộ như: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và các Báo cáo của Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng trình Quốc hội tại Kỳ họp.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo VBQPPL; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật gắn với thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý văn bản, nhất là những văn bản có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp.
Bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2024; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Chú trọng thi hành tốt các vụ án lớn, có nhiều người được thi hành án, thu hồi tài sản trong các các vụ án về kinh tế, tham nhũng.
Ngoài ra, thực hiện tốt các nhiệm vụ về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai Đề án này. Tập trung sửa đổi VBQPPL để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định liên quan hoạt động kinh doanh.