Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lùi thời gian thực hiện chương trình – Sách giáo khoa mới: Không phát sinh kinh phí

Trung Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến, trong tuần tới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa (CT - SGK) mới.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có Báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới CT - SGK giáo dục phổ thông. Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh đến sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Đến nay, đề án về bảo đảm cơ sở vật chất cho CT giáo dục phổ thông chưa được phê duyệt, đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục triển khai còn chậm; đội ngũ giáo viên phổ thông chưa được chuẩn bị kỹ, nhất là những yêu cầu liên quan đến dạy học tích hợp, dạy học trải nghiệm, đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá… Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, do việc triển khai xây dựng CT - SGK mới và các điều kiện bảo đảm đã bị chậm nên kiến nghị về lùi thời điểm áp dụng CT mới là cần thiết để có đủ thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà...

Một tiết học của HS trường THCS Dân Hòa, Thanh Oai - Hà Nội.       Ảnh: Trung Đức

Theo dự thảo Tờ trình, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng CT - SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020, THCS từ năm học 2020 - 2021 và THPT từ năm học 2021 - 2022. So với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, việc bắt đầu áp dụng CT - SGK mới ở cấp tiểu học chậm một năm, THCS chậm 2 năm và THPT chậm 3 năm. Tờ trình của Chính phủ khẳng định: Kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn CT - SGK theo lộ trình đã điều chỉnh không phát sinh do thời gian để tất cả các lớp trên phạm vi cả nước thực hiện CT - SGK mới vẫn là 5 năm.

Báo cáo với Quốc hội về tiến độ thực hiện Nghị quyết 88, Bộ GD&ĐT thông tin: Tổng kinh phí cho dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là 80 triệu USD. Trong đó, xây dựng và thực hiện CT giáo dục phổ thông mới 16,4 triệu USD; biên soạn SGK mới là 20,6 triệu USD; phát triển CT giáo dục phổ thông, đánh giá và phân tích kết quả học tập để cải tiến CT và chính sách đối với giáo dục phổ thông là 37,5 triệu USD; quản lý dự án 2,5 triệu USD. Đây là dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới.