Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lún, nứt nhà dân khu vực ga S9, S11: Cần đơn vị kiểm định độc lập

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, một số hộ gia đình sinh sống bên cạnh công trường ga S9 và S11, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - ga Hà Nội, đã phản ánh việc nhà bị lún, nứt.

Để làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời hiện tượng này, cần đánh giá khách quan, chính xác từ một đơn vị kiểm định độc lập.

Thi công ga ngầm trên tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải  
Thi công ga ngầm trên tuyến ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải  

Chưa thống nhất quan điểm

Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, tháng 11/2019, dự án tiếp nhận đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Bích về việc công trình nhà tại địa chỉ số 431 Kim Mã, quận Ba Đình, gần ga S9, bị nứt và hư hỏng. Bà Bích cho rằng nguyên nhân do ảnh hưởng từ việc thi công nhà ga S9.

Theo ghi nhận thực tế, nhà bà Bích xuất hiện các vết nứt tại cột và tường, tại khu vực vết nứt có hiện tượng thấm nước, ẩm thấp. Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã yêu cầu liên danh nhà thầu Hyundai E&C - Ghella (HGU) cùng các đơn vị liên quan tăng cường quan trắc, kiểm tra thực tế để tìm ra nguyên nhân.

Ngày 26/1/2022, HGU gửi báo cáo đánh giá mức độ hư hại và lập khối lượng khắc phục tổn thất cho công trình nhà bà Bích, báo cáo đánh giá do tư vấn kiểm định CTC - Incok thực hiện. Trong báo cáo này có xác định một phần nguyên nhân tòa nhà xuống cấp do ảnh hưởng từ việc thi công nhà ga S9. Tư vấn kiểm định cũng kiến nghị nên xây mới lại tòa nhà và nhà thầu HGU phải đền bù theo tỷ lệ 32,55% tổng giá trị xây mới, tương đương gần 530 triệu đồng, hỗ trợ trên 55 triệu đồng chi phí tạm cư.

Phía nhà bà Bích đã đồng ý với tỷ lệ đền bù mà tư vấn kiểm định CTC - incok đề xuất là 32,55% giá trị dự toán xây mới. Nhưng bà Bích không đồng ý giá trị dự toán xây dựng (gần 530 triệu đồng) vì cho rằng thấp hơn giá thị trường.

Tương tự, công trình nhà của ông Lê Hữu Đa, số 15, ngõ 51, phố Quốc Tử Giám, phường Văn Chương, quận Đống Đa, nằm gần khu vực thi công nhà ga S11. Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội cho biết, hồ sơ khảo sát hiện trạng lần 1 (ngày 25/1/2018) và lần 2 (ngày 15/1/2020) đều ghi nhận nhà ông Đa có nhiều vết nứt. Lần khảo sát thứ hai cho thấy các vết nứt phát triển nghiêm trọng hơn ở tầng 1 và tầng 2.

“Các biên bản khảo sát đều có xác nhận của ông Đa” - Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội khẳng định và cho hay. Công trình ga S11 bắt đầu thi công tường vây vào tháng 2/2020, sau khi phát hiện các vết nứt tại căn nhà số 15, ngõ 51 phố Quốc Tử Giám.

Nhà thầu HGU thông tin, tất cả các thiết bị được gắn phục vụ quan trắc xung quanh nhà ông Đa và khu vực giữa căn nhà với ga S11 đều không ghi nhận hiện tượng lún. Toàn bộ hồ sơ khảo sát, đánh giá đã được chuyển tới UBND phường Văn Chương và gia đình nhà ông Đa để xem xét. Nhà thầu và Tư vấn của dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội kết luận việc lún, nứt nhà ông Đa không có nguyên nhân từ việc thi công nhà ga S11.

Nhưng phía dự án đã chủ động hỗ trợ chi trả tiền tạm cư (5 triệu đồng/tháng) cho nhà ông Đa trong quá trình tiếp tục kiểm tra, xác định nguyên nhân hư hỏng. Còn phía gia đình ông Lê Hữu Đa vẫn khẳng định, căn nhà bị hư hỏng do thi công ga S11 và yêu cầu chủ đầu tư dự án bồi thường.

Đoàn tàu của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội vận hành thử liên động
Đoàn tàu của tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội vận hành thử liên động

Cần tiếng nói trọng tài

Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình Viên Hải Tuệ xác nhận, địa phương có nhận được đơn kiến nghị của gia đình bà Nguyễn Thị Bích tại địa chỉ số 431 Kim Mã, về việc nhà bị hư hỏng do thi công ga ngầm S9. Tại cuộc họp do UBND phường tổ chức ngày 8/7 vừa qua, nhà thầu Hyundai và Ghella (dựa trên tính toán của đơn vị bảo hiểm Incok) đã đưa ra tổng chi phí bồi thường xây mới công trình cho gia đình bà Bích là gần 580 triệu đồng. Nhưng hiện gia đình bà Bích chưa đồng ý.

Đối với cả hai công trình nhà nêu trên cũng như một số phản ánh khác về việc lún, nứt nhà do thi công các ga ngầm dự án ĐSĐT Nhổn - ga Hà Nội, lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đều khẳng định vẫn tiếp tục chỉ đạo các nhà thầu quan trắc, và tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn.

“Do các hộ gia đình vẫn chưa thấy thỏa mãn nên Ban đề nghị chính quyền địa phương cùng người dân mời đơn vị chuyên môn độc lập vào kiểm tra, đánh giá để xác định nguyên nhân, nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan. Nếu đơn vị độc lập kết luận nguyên nhân đến từ dự án, Ban sẽ chỉ đạo Nhà thầu phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ cũng như thuê đánh giá” - lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT cho biết.

Trong khi ý kiến các bên còn khá mâu thuẫn, nhà cửa của người dân xuống cấp, công trình dự án gặp vướng mắc như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, đưa một đơn vị kiểm định độc lập vào là cần thiết và khách quan nhất.

Nhiều chuyên gia còn cho rằng, trong hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay, chính quyền địa phương cần có động thái mạnh mẽ, rốt ráo hơn. Ngoài vai trò cầu nối giữa Chủ đầu tư và người dân, UBND các quận, phường liên quan còn phải nói lên tiếng nói trọng tài, trên cơ sở các kết luận khoa học, chính xác do đơn vị kiểm định độc lập đưa ra.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND phường Ngọc Khánh cho biết, việc đưa đơn vị kiểm định độc lập vào phải tùy theo mong muốn của người dân. Bởi vậy, các hộ gia đình có quyền lợi liên quan cũng cần thống nhất, chấp nhận kiểm định độc lập sớm chừng nào tốt chừng đó.

Lãnh đạo Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội nhấn mạnh: “Trên thực tế, nhà thầu đã có một số hỗ trợ phù hợp cho người dân tạm cư. Mặt khác việc bồi thường (nếu có) sẽ do đơn vị bảo hiểm của các nhà thầu chi trả, nên không có lý do gì mà chủ đầu tư và nhà thầu phải né tránh trách nhiệm. Khi kiểm định độc lập kết luận, Ban sẽ tiến hành ngay các biện pháp cần thiết, phù hợp theo quy định của Nhà nước”.

 

Người dân chỉ có thể quan sát bằng mắt thường, không có công cụ và nghiệp vụ để tìm ra nguyên nhân cụ thể việc lún, nứt. Trong khi kết luận của nhà thầu, tư vấn dự án lại bị cho là không khách quan. Đây là lúc rất cần đưa đơn vị kiểm định ngoài vào, và đơn vị này phải do chính quyền địa phương lựa chọn.

Thạc sĩ Quản lý đô thị Phan Trường Thành