Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lúng túng khâu xử lý lò mổ lợn trái phép tại xã Phụng Châu

Bài, ảnh: Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2014 và 2015, báo Kinh tế & Đô thị đăng tải loạt bài về sai phạm quản lý đất đai, xây dựng làm lò mổ lợn tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ.

Chính quyền đã vào cuộc làm rõ sai phạm, kỷ luật cán bộ. Tuy nhiên, đến nay, việc xử lý công trình vi phạm vẫn còn lúng túng.

Xử lý nửa vời...

Mặc dù chính quyền các cấp huyện Chương Mỹ và các sở, ngành đã có nhiều buổi tuyên truyền, vận động 4 chủ lò mổ tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng các trường hợp này không chấp hành. Cùng với đó, chính quyền đã ban hành nhiều quyết định xử phạt với hành vi gây ô nhiễm môi trường, xây dựng trái phép. Tuy nhiên, đến nay, bước xử lý vẫn còn lúng túng, đặc biệt ở khâu hoàn thiện hồ sơ, xác định chủ thể, thống kê công trình vi phạm.
Lò mổ lợn trái phép ở khu Lỗ Thổ vẫn ngang nhiên hoạt động.
Lò mổ lợn trái phép ở khu Lỗ Thổ vẫn ngang nhiên hoạt động.
Qua tìm hiểu được biết, hiện mỗi ngày 4 lò mổ này “hóa kiếp” cho khoảng 500 con lợn, với sản lượng gần 35 tấn thịt cung cấp ra thị trường. Việc giết mổ tập trung vào thời điểm từ 1 - 7 giờ sáng và 12 - 15 giờ chiều. Kèm theo đó là hàng chục xe ô tải chở lợn từ nhiều tỉnh, thành về. Tiếng kêu của lợn, tiếng xe máy, ô tô, tiếng tranh giành gia súc của tiểu thương làm huyên náo nơi đây. Nước thải, phân, lông lợn được các chủ lò tống thẳng ra sông Đáy. Hiện, cả 4 lò mổ vẫn được Công ty Điện lực Hà Đông cấp điện phục vụ hoạt động...

 Chưa làm hết trách nhiệm  

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: “Để ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh, cán bộ thú y thường xuyên trực kiểm tra lợn đưa về lò mổ ở khu Lỗ Thổ (xã Phụng Châu). Qua đó, chưa phát hiện lợn bị dịch bệnh. Nhưng, các lò mổ ở đây hoạt động trái phép, khu giết mổ xây dựng sơ sài. Quá trình giết mổ thủ công; nước thải, phân, lông lợn được tống thẳng ra sông Đáy gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc kinh doanh của chủ lò không được kiểm soát chặt chẽ, tạo lỗ hổng trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước. Vì vậy, Chi cục đã đề nghị xử lý dứt điểm vi phạm, di chuyển lò mổ vào khu quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay, UBND huyện Chương Mỹ vẫn chưa thực hiện”.

 Chủ tịch UBND xã Phụng Châu Lê Văn Thêu thừa nhận: Do UBND xã chưa lập danh sách chủ thể cũng như số lượng trường hợp vi phạm đầy đủ, dẫn đến việc hoàn thiện hồ sơ, đề xuất với UBND huyện ra quyết định cưỡng chế chưa được khách quan. Vì vậy, cuối tháng 3 vừa qua, khi tổ chức cưỡng chế 3/7 công trình, một số người dân cho rằng, nhiều trường hợp vi phạm chưa được thống kê đầy đủ để cùng bị xử lý. Mặt khác, nhiều chủ thể vi phạm chưa được làm rõ. Chính vì vậy, việc cưỡng chế phải tạm dừng để UBND xã cùng các ban, ngành rà soát lại số lượng công trình vi phạm. Đến nay, đã xác định được khoảng 40 công trình vi phạm, kể cả 4 lò mổ lợn.

 Chánh Văn phòng UBND huyện Chương Mỹ Trần Ngọc Thông khẳng định, vi phạm ở xã Phụng Châu được lãnh đạo UBND huyện quan tâm và quyết tâm xử lý, không bao che cho bất kỳ cá nhân nào. Cụ thể, cuối năm 2015, UBND huyện ra quyết định cưỡng chế 7 công trình vi phạm. Cùng thời điểm, ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Lê Bá Đồng (Chủ tịch UBND xã). Một số cán bộ liên quan cũng bị kỷ luật.

 "Để xảy ra vi phạm có phần trách nhiệm của UBND huyện không bám sát, kiểm tra hoạt động của địa phương kịp thời. Bên cạnh đó, không kiểm tra kỹ việc UBND xã và phòng chuyên môn củng cố hồ sơ vi phạm nên mới xảy ra việc tổ chức cưỡng chế chưa được khách quan. Để xử lý dứt điểm vi phạm, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền xã Phụng Châu” - ông Thông nhấn mạnh.