Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lúng túng thu hồi xe máy quá đát

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại Hà Nội, các lực lượng chức năng TP đang lên kế hoạch thu hồi khoảng 2,5 triệu xe máy cũ nát đang hoạt động trên địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, để hiện thực hóa mục tiêu này còn nhiều việc phải làm.

Thu hồi là cần thiết

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 40 triệu xe máy. Trong số này có những xe đưa vào hoạt động từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước nhưng vẫn còn lưu thông. Không chỉ không đảm bảo ATGT, trong quá trình hoạt động, những chiếc xe quá đát này ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân. “Những chiếc xe này do sử dụng công nghệ thấp nên khả năng đốt cháy nhiên liệu không hết, thải ra ngoài môi trường gấp nhiều lần ô tô, và phần lớn khí thải độc hại là hydrocarbon, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người” – ông Trí nhấn mạnh.

Người điều khiển xe máy đã cũ nát trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Chiến Công

Theo nghiên cứu gần đây của trường Đại học GTVT, trong khí thải của các phương tiện có rất nhiều thành phần độc hại như NOX, hydrocarbon, khí Co. Những khí này, đặc biệt khí Co khi ra môi trường sẽ xảy ra phản ứng hóa học tạo ra các loại khí độc hại, làm cho con người bị ngộ độc, thậm chí ngạt thở.

Đồng quan điểm, ông Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết, đốt cháy nhiên liệu chính là quá trình phân giải các chất hữu cơ. Quá trình này ở xăng, dầu cho ra rất nhiều loại tạp chất khác nhau. Thành phần khí thải này lại phụ thuộc nhiều vào chất lượng động cơ. Động cơ càng cũ, công nghệ càng lạc hậu, thì việc đốt cháy triệt để nhiên liệu càng bị giảm đi, khí thải độc hại vì thế càng tăng. Cũng theo ông Đăng, trong quá trình hoạt động các phương tiện cũ nát thải ra môi trường một lượng khí thải độc hại cao gấp 2 – 4 lần các loại xe còn mới, được bảo dưỡng định kỳ.

Còn nhiều vướng mắc

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, việc thu hồi các xe quá đát là việc làm rất cần thiết nhưng không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Ông Trí cho biết, hiện nay, Nhà nước mới chỉ có quy định niên hạn với xe tải (lưu hành không quá 25 năm) và xe chở khách (lưu hành không quá 20 năm). Trong khi đó, đối với xe ô tô con và xe máy, hiện vẫn chưa có quy định về niên hạn.

Đồng quan điểm này, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo một số Đội CSGT trên địa bàn TP cho biết, mặc dù lực lượng CSGT vẫn thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp điều khiển xe máy cũ nát, nhưng do những vướng mắc về các quy định pháp lý nên chỉ có thể xử lý được các trường hợp dùng xe cũ nát kéo, chở hàng cồng kềnh, không có giấy tờ xe. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu này, các cơ quan chức năng cần phải có những tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là xe cũ nát, thế nào là không đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, các đơn vị có chức năng cần thận trọng trong việc đưa ra quyết định thu hồi xe máy hết đát. Bởi dù sao đây vẫn là phương tiện di chuyển chính, là “cần câu cơm” của phần lớn người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, không ít chuyên gia đặt câu hỏi, có những phương tiện dù được đăng ký cách đây chục năm nhưng chủ xe đi ít thì có bị tính là cũ nát hay không? Xe cũ nhưng đã được sang tên cho người khác, và khi đăng ký lại, thời gian lại khác, vậy các cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao? Do đó, để việc xử lý diễn ra công bằng, các đơn vị có chức năng cần phải xây dựng các trung tâm kiểm định khí thải đối với loại phương tiện này.

Trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy và gần 1 triệu ô tô các loại đang lưu hành, trong đó có 2,5 triệu xe máy đã sử dụng lâu năm.