Dư địa bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất lớn
Theo BHXH Việt Nam, đến cuối năm 2023, trên cả nước có hơn 18,26 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,25%, trong đó có hơn 1,83 triệu người tham gia BHXH tự nguyện đạt 3,92% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tính đến ngày 31/3/2024, cả nước có khoảng 17,392 triệu người tham gia BHXH (trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,949 triệu người; số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,443 triệu người).
Mặc dù đã vượt 1,42% mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, nhưng sau 15 năm thực hiện Luật BHXH (Luật số 71/2006/QH11, thực hiện BHXH tự nguyện từ 1/1/2008), số người tham gia BHXH tự nguyện còn rất khiêm tốn, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh tuổi già của một bộ phận lớn dân cư sau này.
Thực tế ở Việt Nam, người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức còn lớn, trong khi số người tham gia BHXH tự nguyện lại chưa nhiều. Theo quan điểm của nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH Việt Nam TS Phạm Đình Thành: “Việc làm khu vực phi chính thức là việc làm của những người tự do, không có quan hệ lao động; họ tự tạo việc làm và tự kiếm sống.
Lao động phi chính thức thường có đặc điểm là làm việc bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp và thời gian làm việc dài. Lao động khu vực phi chính thức thường khó khăn trong cuộc sống, hạn chế về năng lực, kiến thức, dễ bị tổn thương trước rủi ro việc làm và ít có cơ hội tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội và thường là chưa sẵn sàng tham gia BHXH”.
Đồng tình với TS Phạm Đình Thành, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) TS Nguyễn Hữu Dũng bổ sung: “Lao động phi chính thức là người ta tự làm việc, không có quan hệ lao động nên thường không ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khu vực này còn rộng, lại đang hình thành một số loại hình kinh tế mà Nhà nước cần phải quan tâm, nghiên cứu.
Đó là loại hình kinh tế chia sẻ, theo đó người lao động làm việc cá nhân và trong một quan hệ riêng tư. Thứ nữa là nền kinh tế tự do có xu hướng tăng mạnh, gồm những người làm việc độc lập trong khoảng thời gian không xác định; giao dịch dựa trên nền tảng trực tuyến, không ký kết hợp đồng lao động giữa hai bên”.
Theo TS Phạm Đình Thành, sở dĩ số người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện còn thấp là do một phần chính sách chưa hấp dẫn, một nguyên nhân nữa là do nhận thức và điều kiện sống đã hạn chế khả năng tiếp cận. Đặc biệt là sự phối hợp công tác của ngành BHXH với cấp xã, phường có nơi, có lúc chưa được chặt chẽ, thường xuyên và quyết liệt. Vì thế cần chú trọng công tác truyền thông để mọi người nhận thức và thấy rõ tính ưu việt của chế độ hưu trí cũng như trách nhiệm đóng BHXH của từng người lao động.
Mở rộng đối tượng, bổ sung chế độ cho người lao động
Để tăng tỷ lệ người lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH, hiện nay Nhà nước đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật BHXH, dự kiến khi được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Cụ thể, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc gồm chủ hộ kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian.
Một nội dung mới của dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm, khi đủ tuổi được nhận lương hưu nhằm tăng số người tham gia BHXH, nhất là nhóm người từ 40 – 45 tuổi. Chính phủ cũng đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, với mức trợ cấp khi sinh con là 2.000.000 đồng/con, do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, một trong những giải pháp có tính chất chiến lược và tổng thể quan trọng nhất để thu hút lao động phi chính thức tham gia BHXH đó là phát triển mạnh nền kinh tế thị trường. Qua đó, lao động từ khu vực phi chính thức sẽ chuyển sang khu vực chính thức và có quan hệ lao động để đảm bảo an sinh xã hội, BHXH cho người lao động. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là chính sách đầu tư của Nhà nước và khuyến khích đầu tư của các chủ thể. Và khi người lao động chuyển từ khu vực phi chính thức sang chính thức thì phải đẩy mạnh CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn.
Một giải pháp nữa là phát triển lao động khu vực chính thức ở thành thị, từ những hộ kinh doanh có thu nhập. Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có đề cập đến đóng BHXH hộ gia đình; chuyển khu vực kinh tế tự do sang khu vực kinh tế chính thức, thành công ty nhỏ và vừa, thậm chí DN lớn có đầu tư nước ngoài,... Và muốn mở rộng đối tượng tham gia BHXH khu vực phi chính thức thì phải rà soát, mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Nhà nước cũng nên có chính sách khuyến khích những người lao động hoạt động kinh tế mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế tự do, kinh tế tuần hoàn) có thu nhập cao được phép tham gia BHXH bắt buộc theo hướng bảo hiểm tiết kiệm; sau này khi hết tuổi lao động được hưởng lương hưu theo tỷ lệ quy định nhưng có mức lương tương đối cao.
Bên cạnh việc bổ sung chế độ thai sản 2.000.000 đồng, về lâu dài Nhà nước vẫn cần nghiên cứu và ban hành các chế độ BHXH ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với nhóm người lao động phi chính thức để làm tăng tính hấp dẫn của chính sách cũng như đảm bảo công bằng trong việc đóng góp và thụ hưởng các quyền lợi BHXH. Cũng như có sự hỗ trợ của Nhà nước kết hợp với sự đóng góp của người lao động khu vực phi chính thức cũng là cách để tăng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện, góp phần đảm bảo lưới an sinh xã hội.
Tính đến cuối năm 2023, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn Hà Nội là 106.339 người, tăng 31.324 người, tăng 41,76% so với năm 2022; chiếm 2,3% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt 0,3% chỉ tiêu được HĐND, UBND TP giao. Thực hiện Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, năm 2023, TP Hà Nội đã hỗ trợ 75.362 người lao động tham gia BHXH tự nguyện, với số tiền 26.052.959.399 đồng. Trong đó, có 576 người thuộc hộ nghèo, số tiền 576.081.000 đồng; 2.304 người thuộc hộ cận nghèo, số tiền 1.474.687.500 đồng; 72.482 người thuộc diện tham gia khác với số tiền 24.002.190.899 đồng.