Cô tâm sự, sở dĩ cô làm được điều này bởi vì Lương Nguyệt Anh có “đại gia” đỡ lưng phía hậu trường.
Với tựa đề “Câu hát người thương”, đểm nhấn album vol2 của ca sĩ Lương Nguyệt Anh là 11 khúc hát dân ca quen thuộc nhưng lại được làm mới nhờ phần phối khí. Và nhờ kỹ thuật “hát nhỏ” và “lơi” giọng được cô thể hiện rất thành công nên những ca khúc như “Ơi con sông Ngàn Phố” (Trần Hoàn), “Đi tìm câu hát lý thương nhau” (Vĩnh An), “Nhớ đêm giã bạn” (Nguyễn Tiến), “Thơ tình cuối mùa thu” (Phan Huỳnh Điểu), “Gió đánh đò đưa” (dân ca)… mang hơi thở 9x.
Đặc biệt, dấu ấn của album, gánh chọn những câu hát thương nhau, tạo điểm chuyển cho 2 phần album là màn song ca “Gió đánh đò đưa” của Lương Nguyệt Anh và Lê Anh Dũng. Ca khúc từng được ghi dấu tên tuổi của đàn anh, đàn chị… Tuy nhiên, Lê Anh Dũng và Lương Nguyệt Anh vẫn khiến người nghe cảm nhận được hơi thở mới, tinh thần mới, đầy trẻ trung và sôi nổi, bên cạnh sự nhẹ nhàng, đầy tình ý của khúc hát dân ca. Không phải vô tình, “Gió đánh đò đưa” được Lương Nguyệt Anh lựa chọn đặt ở vị trí thứ 5 (ở giữa) trong list của album “Câu hát người thương”.
Lương Nguyệt Anh thích sự dịu dàng, tinh tế và ngọt ngào của những làn điệu dân ca. “Bởi vì, từ nhỏ cho đến bây giờ, tôi luôn được bố, một chiến sĩ bộ đội có chút năng khiếu ca hát dạy mình ngâm nga những câu dân ca. Sự ngọt ngào, tinh tế ấy gần như đã ngấm vào máu mình. Vì thế, tôi sẽ theo đuổi dòng dân ca đến cùng trong sự nghiệp ca hát của mình. Tôi sẵn sàng hát lại bài cũ. Vì tôi tin, mình sẽ thổi hồn vào đó sự mới mẻ và cá tính riêng của mình, để không bị trộn lẫn với các anh chị đi trước”, Lương Nguyệt Anh tâm sự.
Ngoài ra, Lương Nguyệt Anh cũng thích khám phá những ca khúc mới, vì ca khúc mới đem lại cho cô nhiều hứng khởi. Trong vol 2 “Câu hát người thương”, bên cạnh những ca khúc quen thuộc, những bài hát mới, hoặc đã phát hành trước đó nhưng chưa được phổ biến rộng rãi cũng xuất hiện như: “Đôi mắt đò ngang” (Nguyễn Trọng Tạo), “Điệu ví dặm là em” (Quốc Nam), “Đôi bờ sông quê” (Đặng An Nguyên), “Đá lạnh” (Lê Minh), “Bến sông mơ” (Lưu Ba), “Khuân Thần tôi yêu” (Bá Đạt)… Đây là những ca khúc ngọt ngào về đời sống hiện đại với những ca từ gần gũi, giản dị và giai điệu đẹp.
Cô gái đến từ Bắc Giang bước vào sự nghiệp ca hát với một chữ “duyên”. Trưởng thành trong gia đình không ai làm nghệ thuật, chính vì vậy con đường đi lên duy nhất của Nguyệt Anh là những cuộc thi và ra album để khán giả biết đến mình nhiều hơn. Cô cũng may mắn khi có gia đình hỗ trợ. Và “đại gia” đỡ lưng cho hai album của cô chính là bố và mẹ. Chính vì vậy, mặc dù đang ở thời điểm kinh tế khó khăn, hầu hết các ca sĩ đều dừng hoặc kéo dài dự án âm nhạc của mình để tìm nguồn tài trợ thì Nguyệt Anh vẫn hoàn toàn yên tâm về kinh phí, chỉ lo cho phần hát thật sâu, thật ngọt và thật tinh tế, quyến rũ.
Trước khi giành giải Nhất Sao Mai 2011, cái tên Lương Nguyệt Anh cũng trở nên quen thuộc trong nhiều cuộc thi như: Sao Mai 2009, Tiếng hát truyền hình Hà Nội 2010…Đến khi giành giải Nhất cuộc thi Sao Mai 2011, tiếng hát của Lương Nguyệt Anh cũng không phải đã hết điều tiếng là giống Sao Mai 2007 – ca sĩ Tân Nhàn.
Song, một năm sau khi giành giải, Lương Nguyệt Anh đã có một bước tiến dài trên con đường hoàn thiện về kỹ thuật thanh nhạc và sự trải nghiệm trong cuộc sống để có một tâm hồn sâu lắng khi thể hiện những ca khúc mang đậm dấu ấn dân ca. Giọng hát của Lương Nguyệt Anh tinh tế hơn, xử lý kỹ thuật hoàn chỉnh hơn, vì thế, những ca khúc được Lương Nguyệt Anh trình bày có chiều sâu cảm xúc hơn, và cô hát cũng thăng hoa hơn so với vol 1.