KTĐT - Thù lao cho những công việc bán thời gian đều đã tăng so với trước nhưng vẫn không thấm vào đâu so với sự leo thang của giá sinh hoạt khiến người làm thêm phải vất vả xoay sở.
Mỗi tuần, Hồng Ngọc (sinh viên ĐH Giao thông vận tải) đi dạy thêm 3 buổi cho một học sinh tiểu học nhà ở đường Thái Thịnh (Hà Nội). Với thù lao 60.000 đồng một buổi, một tháng, Ngọc được nhận khoảng hơn 700.000 đồng. Tuy nhiên, theo cô, số tiền này vẫn không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ.
Ngọc tính toán, một tháng, có 700.000 đồng tiền lương dạy thêm, cộng thêm số tiền 800.000 đồng bố mẹ chu cấp, thì vừa xoẻn cho các sinh hoạt phí hàng ngày. Chi phí cố định mỗi tháng cô sinh viên này phải dùng là 600.000 đồng tiền thuê nhà, 80.000 đồng tiền nước, từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng tiền điện. Còn lại khoảng 700.000 đồng Ngọc dùng trong việc ăn uống, đi lại.
Cô sinh viên này cho hay bình thường mùng 10 hàng tháng bà chủ mới đến thu tiền nhà, nhưng nếu tháng nào bị thu sớm hơn thì chắc chắn phải vay mượn để chi tiêu nửa tháng cuối. "Vì thường thì 15 hàng tháng, phụ huynh học sinh mới trả tiền dạy nửa tháng đầu", Ngọc kể. Cô cũng thông tin, trước kia, thường thì cuối tháng mới lĩnh lương dạy thêm từ phụ huynh. Nhưng hiện tại, cuộc sống khó khăn, túi luôn trong tình trạng "viêm màng", nên đề xuất phụ huynh học sinh nửa tháng cho lĩnh tiền một lần.
Ghi nhận của PV, từ ngày giá tăng, những công việc làm thêm dành cho sinh viên như gia sư, tiếp thị hay nhân viên phát tờ rơi, sản phẩm khuyến mại… cũng có mức thù lao cao hơn. Hiện tại, lương gia sư dạy các lớp tiểu học cũng tăng khoảng 10.000-15.000 đồng, lên 50.000-60.000 đồng một ca so với trước. Tiền công phát tờ rơi và sản phẩm khuyến mại như sữa, giấy ăn,… tại các siêu thị, trường học cũng dao động 100.000-150.000 đồng một ca, tùy sản phẩm.
Tuy nhiên, số tiền này không thấm gì so với mức tăng của tất cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Hơn nửa năm trước, lương dạy thêm chỉ 50.000 đồng một ca. Với 50.000 đồng này có thể mua được gần 6 kg gạo bình thường loại 9.000 đồng một kg. Nhưng hiện tại, thù lao gia sư tăng thêm 10.000 đồng, thì 6 kg gạo cũng không còn giá 9.000 đồng một kg nữa mà tăng lên 11.000-12.000 đồng.
Hoàng Hải, sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội đang làm nhân viên phục vụ bàn một quán ăn trên đường Kim Mã cho hay, mỗi tháng, lương làm thêm của cậu cũng được 2,3 triệu đồng. So với cách đây nửa năm, mức này đã tăng thêm 300.000 đồng. Song dù với số tiền nhiều hơn, vẫn phải chật vật lắm cậu mới đủ tiền trang trải cuộc sống ở trọ chứ không có chuyện để dành được tiền như năm ngoái.
Hải than thở, tiền nhà mới tăng từ 1 triệu lên 1,2 triệu đồng một tháng. Nước 60.000 đồng, điện 4.000 đồng một số. Tính ra mỗi tháng, khoản tiền dành cho thuê nhà, điện, nước cũng hết khoảng 1,6 triệu đồng. Thêm chi phí xăng xe, ăn uống và điện thoại ngót nghét 600.000 đồng nữa là gần như cạn số tiền lương làm thêm. "Năm ngoái, lương chỉ 2 triệu nhưng mỗi tháng mình vẫn tiết kiệm được khoảng vài trăm nghìn đồng, vì giá cả cái gì cũng dễ chịu chứ không đến mức phải ngửa cổ kêu trời như năm nay", Hải nói.
Trong xu thế giá cả hàng hóa, dịch vụ leo thang, hầu hết các điểm giới thiệu việc làm part-time cũng chọn cách điều chỉnh mức lương, thay vì bớt mối hay cắt giảm nhân lực.
Anh Thịnh, nhân viên môi giới một trung tâm gia sư tại phố Mai Dịch (Hà Nội) cho biết, từ khi giá các mặt hàng thiết lập một mặt bằng mới, phần lớn các trung tâm gia sư cũng phải điều chỉnh tăng thù lao cho người dạy. Mức tăng phổ biến từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng một ca, tùy độ tuổi học sinh. Càng các lớp tiểu học mức tăng càng thấp, còn những bậc khác như trung học cơ sở hay trung học phổ thông, thì tăng nhiều hơn.
Anh Bình làm ở trung tâm gia sư trên phố Trần Quốc Hoàn cũng cho hay, trung tâm này mới đề xuất với các phụ huynh có nhu cầu tuyển giáo viên dạy thêm mức thù lao mới. So với mức cũ, phí học mỗi ca tăng thêm khoảng 10.000-20.000 đồng.
Anh Bình kể trước đó, rất nhiều người sau khi đến tham khảo thù lao dạy thêm đều quay đi. Nguyên nhân giá quá thấp so với mặt bằng thu nhập chung bây giờ. "Có bạn còn nói thẳng với tôi, lương trả 50.000 đồng một ca 2 tiếng rưỡi dạy học sinh cấp hai. Một tuần dạy hai buổi, tháng dạy đủ thì được 400.000 đồng, chẳng đủ tiền nhà, thì làm sao trụ được ở thủ đô", anh Bình kể.