Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lương tối thiểu vùng và trăn trở của người lao động

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng (LTTV) cho người lao động (NLĐ), Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Lê Đình Quảng nhấn mạnh đến cách xác định mức sống tối thiểu và vai trò của cán bộ Công đoàn, NLĐ.

 Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Lê Đình Quảng 
Lương tối thiểu chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống
Thưa ông, chính sách tăng LTTV đã giúp cho NLĐ cải thiện đời sống ra sao?
- Kể từ năm 2013, Hội đồng Tiền lương quốc gia với thành phần 3 bên (Bộ LĐTB&XH, Tổng LĐLĐ Việt Nam và đại diện chủ sử dụng lao động) – là cơ quan tư vấn giúp Chính phủ xác định tiền LTTV, hàng năm đều hoạt động và phát huy được tính dân chủ. Hội đồng Tiền lương quốc gia đã có đề xuất và Chính phủ thực hiện điều chỉnh tiền LTTV hàng năm với mức tăng đến nay là trên 60%.
Cùng với mức tăng LTTV, thu nhập của NLĐ cũng được tăng theo và cải thiện được một phần đời sống của hàng triệu lao động. Tuy nhiên, hiện nay do thu nhập thấp dẫn đến đời sống của NLĐ gặp nhiều khó khăn. Khảo sát của Tổng LĐLĐ những năm gần đây cho thấy, hầu hết NLĐ có tiền lương thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống. Thậm chí, họ phải làm thêm giờ mới đảm bảo được cuộc sống và hầu như không có tích lũy cho kế hoạch tương lai.
Năm 2019, với mức LTTV tăng trung bình 5,3% đã có cải thiện như thế nào đối với NLĐ?
- Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ vào đầu năm 2019, hầu hết các DN đều tuân thủ thực hiện Nghị định 141 của Chính phủ, tăng từ mức 180.000 - 250.000 đồng đã cải thiện được đời sống của NLĐ. Tết Nguyên đán vừa qua, các DN, tổ chức Công đoàn và cơ quan hữu quan chăm lo khá tốt cho NLĐ bằng chính sách thưởng, thăm hỏi. Vì thế, mối quan hệ giữa chủ sử dụng và NLĐ tốt hơn, số vụ đình công giảm, NLĐ trở lại làm việc sau Tết chiếm tỷ lệ cao hơn năm trước. Tuy nhiên, mức lương hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sống của NLĐ, nhất là các lao động trong ngành da giày, dệt may, chế biến thủy sản.
Có những chủ DN nói không quan tâm đến mức LTTV vì thực tế đã trả lương cho NLĐ cao hơn. Làm sao để kiểm soát được việc thực hiện tăng LTTV trong các DN, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu?
- Thực ra, hầu hết thu nhập của NLĐ đều cao hơn mức LTTV. Mức LTTV được đa số các DN lấy làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Khi tiền lương cơ bản nâng lên thì thu nhập của NLĐ cũng tăng theo. Theo khảo sát của chúng tôi và từ báo cáo của hệ thống Công đoàn năm 2018, 2019, các DN đều thực hiện xây dựng thang bảng lương theo Nghị định 141 của Chính phủ.
Mức LTTV năm 2019 tăng 5,3% chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu và gia đình họ. Theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia để làm căn cứ cho các bên thương lượng, LTTV mới đáp ứng được khoảng 94 – 95% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Năm 2019, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ đàm phán mức LTTV của năm 2020. Lần đàm phán này diễn ra trong bối cảnh Nghị quyết 27 của T.Ư về cải cách chính sách tiền lương đưa ra mục tiêu năm 2020 mức tiền LTTV phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Đây là mục tiêu đã được đặt ra từ lâu mà chúng ta không thực hiện được.
Trong quá trình đàm phán tăng LTTV tại Hội đồng Tiền lương quốc gia, mỗi bên lại đưa ra cách tính về nhu cầu sống tối thiểu khác nhau. Ví dụ, năm 2018, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia lấy tỷ lệ lương thực thực phẩm 48% và phi lương thực 52%; nhưng Tổng LĐLĐ đề nghị 45% và 55%.
Với cách tính của hai bên, hai tỷ lệ đã chênh lệch nhau 300.000 đồng. Vì thế, vừa rồi Tổng LĐLĐ đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm điều tra, nghiên cứu, xác định mức sống tối thiểu để đưa ra một số tiêu chí nhất định.
 Công nhân rút tiền lương tại cây ATM ở Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Công Hùng
Phải nói thêm, tiền LTTV không phải là thu nhập của NLĐ. Bởi thu nhập tiền lương của NLĐ còn có thương lượng, thỏa thuận của họ với chủ sử dụng lao động. Tiền lương tối thiểu chỉ là sàn để các bên thương lượng từ mức đó trở lên, không được trả thấp hơn. 
Nâng cao vai trò thương lượng của Công đoàn
Thưa ông, tổ chức Công đoàn có vai trò như thế nào trong việc thương lượng với chủ sử dụng lao động để tăng lương cho NLĐ?
- Dần dần Nhà nước sẽ không can thiệp trực tiếp vào vấn đề tiền lương. Tiền lương là giá cả sức lao động, có sự thương lượng, mặc cả giữa NLĐ và chủ DN. Trong đó có vai trò hỗ trợ rất lớn của tổ chức Công đoàn. Thời gian qua, tổ chức Công đoàn đã quan tâm chỉ đạo Công đoàn các cấp trong quá trình thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể phải đưa tiền lương là vấn đề quan trọng.
Tới đây, tổ chức Công đoàn phải mạnh mẽ hơn trong thương lượng tiền lương và hỗ trợ NLĐ đàm phán. Đại hội Công đoàn lần thứ XII đã xác định, một trong 3 khâu đột phá là đổi mới tổ chức cho cán bộ. Bên cạnh đào tạo về năng lực, kiến thức chế độ chính sách pháp luật, một vấn đề các tổ chức Công đoàn cần quan tâm là kỹ năng thương lượng, đối thoại. Ngoài ra, tăng cường cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn cấp dưới để họ mạnh dạn đấu tranh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.
Về phía NLĐ cần trang bị những kiến thức và kỹ năng gì để việc thương lượng tiền lương đạt kết quả?
- NLĐ cũng phải nắm bắt được đầy đủ các thông tin về thị trường việc làm, lao động, tiền lương. Đàm phán về tiền lương tức là NLĐ mặc cả với chủ sử dụng lao động về giá cả sức lao động để có thu nhập tốt nhất. Đối với cấp quốc gia, chúng tôi đàm phán đảm bảo được hài hòa giữa DN và NLĐ.
Tôi nghĩ, NLĐ cũng phải biết trình độ, năng lực của bản thân để khi đàm phán biết mình biết ta và mặc cả thực sự. Thường NLĐ phổ thông chấp nhận mức lương chủ sử dụng ấn định; những lao động có trình độ cao ứng tuyển vào vị trí quản lý thì họ sẵn sàng đàm phán lương. Với cơ chế thị trường hiện nay, với sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, NLĐ cần phải quen với việc đàm phán về lương để có thu nhập tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!

"Việc nâng LTTV năm 2019 đồng nghĩa với mức tiền lương bình quân DN thực trả cho NLĐ có khả năng tăng, sẽ cải thiện một phần mức sống (nếu trượt giá khống chế dưới 4/năm). Tuy nhiên, mức tăng LTTV năm 2019 là 5,3% vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động. Nếu so với mục tiêu đến năm 2020 tiền LTTV phải đảm bảo nhu cầu mức sống tối thiểu theo Đề án cải cách chính sách tiền lương hiện hành thì khoảng thiếu hụt vẫn còn đến 8,7%. Đây là thách thức cần phải giải quyết khi đàm phán tăng LTTV năm 2020." - TS Nguyễn Hữu Dũng – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH