Giá đấy không rẻ cho một món ăn chơi khá là trẻ con, lại càng khá cao so với thu nhập của một người bình thường quanh cái công viên be bé có khoảnh sân trải bê tông và lèo tèo cây cỏ này. Thế nhưng, Nhã vẫn nhanh nhẹn mở ví, rút ra mấy tờ tiền, đưa trả anh không chút do dự.
Mặt thằng nhóc phởn phơ như vừa trúng số. Nó vội vàng xỏ chân vào đôi giày patin vừa được mẹ sắm. Anh bật cười, biểu nó phải đi vớ vào trước, thì mới được. Nhã luống cuống bảo, chết, tôi không biết nên chẳng chuẩn bị cho con.
Không sao. Anh lấy trong cái túi bằng nhựa của mình ra đôi tất cũ, đưa cho thằng nhóc. Nó hớn lên, luống cuống mang vào chân. Anh dưng không thấy buồn cười, nhớ ngày mình bắt đầu nhập môn chơi patin này, chắc cũng vui cỡ đó là cùng.
Mẹ con thằng nhóc với anh không lạ. Anh từng trông thấy hai người vào mấy dịp Nhã cùng thằng nhóc say mê đứng xem bạn bè anh trượt tới lui cái khoảnh không gian được mặc định xí chỗ. Nét chăm chú khiến anh sao có thể ngờ, trong lòng Nhã vẩn vơ suy nghĩ, “Đàn ông già đầu rồi, ai lại suốt ngày trượt patin cơ chứ!” mỗi khi ngó qua thấy người thanh niên dong dỏng diện chiếc quần bò màu đen lướt đi nhoay nhoáy trên sân.
Nghề chơi cũng lắm công phu. Đầu tiên phải là tập đi trên cỏ, cho quen với cảm giác nằng nặng của giày. Chân luôn ở hình chữ V hẹp. Giữ thăng bằng. Hơi ngả về phía trước. Làm chủ tốc độ… Đủ thứ lý thuyết.
- Ở nhà thì tập thêm cho cháu thế nào? Nhã hỏi, nhận được hướng dẫn là kiếm một mảnh bìa các – tông lớn, cứ đi lại trên ấy cho rành rẽ. Nhã gật đầu, tỏ ra đã hiểu.
- Mẹ ngại gì mà không ra công viên tập chung với con luôn? Cu Bin cỡ chân lớn hơn Nhã chút đỉnh, nhưng đôi giày tiền triệu hóa ra có thể co giãn độ rộng được. Tiện quá. Khi Nhã vịn vào vai con chập chững đi lại trên cái vỏ hộp đựng tivi cũ, thằng nhóc đáo để cười, đá đểu mẹ một câu. À con biết rồi, mẹ sợ bị té ngã, người ta cười chứ gì. Mẹ yên tâm, chơi cái này ai chẳng phải té. Thầy Phúc ấy, còn té bay thẳng vô thùng rác nữa kìa!
Hóa ra người ta tên Phúc. Kêu thầy cơ đấy, oai phết nhỉ! Nhã nghĩ thầm trong đầu, không sao ưa nổi cái người già chát mà còn ham chơi. Nào là bộ loa, mở nhạc giật ầm ĩ. Rồi tổ chức mấy cái “đại hội võ lâm”, cho giang hồ chơi patin khắp chốn tụ hội lại, biểu diễn giao lưu này nọ. Họ cũng rảnh ghê chứ chẳng vừa. Ý nghĩ ấy len vào đầu Nhã, khi cô len lén ngó người đàn ông đang điều khiển đôi chân gầy gò của mình một cách điệu nghệ, dích dắc qua mớ chướng ngại vật bằng nhựa đang được bày ra để thi triển tài năng…
- Sao Nhã không vô đây tập, tôi chỉ thêm cho?
- Ơ…
Cái thằng con mỏng môi mách lẻo đây mà! Nhã tức thầm trong bụng, nhưng thôi, chuyện đã lỡ làng, mình còn sợ nhục kiểu gì mà chẳng vô đây tầm sư học đạo, cho thỏa nỗi thèm thuồng. Nhìn Nhã loay hoay sử dụng giày trượt của con trai, Phúc vờ bận bịu quay đi, như không biết hai mẹ con chỉ có mỗi một đôi, thay phiên nhau tập…
Đứa con gái nọ dễ thương quá. Áo trắng kiểu thủy thủ, đi kèm với váy xòe màu đen, trông như nữ sinh. Tươi tắn, khỏe khoắn. Nhìn nó lướt mà mê, sao nhẹ nhàng gợi cảm đến thế không biết. Đúng là phụ nữ, có vận động thể thao, đam mê một môn gì đó, thì trông trẻ lâu cá tính thật. Nhã tiếc là mình bây giờ mới có cơ hội tập tành. Quanh đây, con nít bé tí teo lên ba lên bốn cũng nhiều, bọn nhóc loi choi tuổi teen cũng lắm, mà các cô gái trẻ xinh tươi như mộng càng đông như quân Nguyên. Chỉ có mình Nhã là gái già hết thời đây mà!
Trẻ không chơi, già đổ đốn. Câu ấy ám ảnh Nhã. Nhớ thuở bé, Nhã từng trốn mẹ ra sân patin gần nhà, ngơ ngẩn ngắm những cô nàng cùng trang lứa sung sướng vui chơi ở đấy. Tuổi thơ thiếu thốn khắc nghiệt. Cảnh nhà buồn tênh, lòng Nhã cứ thầm ước ao mình có bố hoặc có anh trai để mà dựa dẫm, tôn thờ. Một chút lầm lỡ thời con gái cướp hết mọi ước mơ đẹp đẽ còn sót lại. Nhã bây giờ chỉ mong thằng Bin khỏe mạnh, ngoan ngoãn, chịu khó học hành là vui rồi. Khổ cực thế nào, Nhã cũng không sợ. Đời Nhã từng có gì vui đâu, toàn sai lầm, nhưng nếu thằng Bin đúng, hóa ra tất cả đều đúng. Còn nếu đứa con trai không cha của bà mẹ đơn thân như Nhã cũng sai nốt, thì mọi thứ sẽ thành sai. Sai hết. Nhã dành mọi thứ cho con, cũng vì lẽ đó…
- Thầy Phúc hỏi sao mẹ còn trẻ mà mặt buồn thiu vậy…
- Rồi con nói sao?
- Con bảo mẹ vất vả lắm, mẹ phải đi làm nuôi con. Cái thầy hỏi, chứ ba con đâu?
Ừ thì ba thằng Bin đâu? Câu hỏi day diết ấy, Nhã từng đối mặt vài lần rồi. Không lảng tránh, chẳng đổ thừa cho số phận. Cũng không nói giảm nói nhẹ đi làm gì. Là Nhã lỡ dại, bị người ta rũ bỏ. Không nỡ bỏ con, nên đành cặm cụi nuôi thằng Bin một mình. Nghề nghiệp làng nhàng. Nhan sắc tầm thường. Nhà thuê xe số. Tất cả chỉ có thế.
Nói vậy cũng không hẳn. Nhã còn có tài sản vô giá là cu Bin, yêu mẹ vô đối, nhanh nhẹn hoạt bát, mới lên bảy mà đã biết làm nhiều công việc nhà, biết đón ý và quan tâm tới Nhã. Câu hỏi: “Ba con đâu mẹ?” cũng không còn thường trực trên miệng cu Bin nữa. Trẻ con bây giờ nhạy cảm và khôn sớm lắm. Tội nghiệp…
Dường như chung một niềm đam mê gì đấy dễ kéo người ta lại gần nhau thì phải. Nhã ngồi cạnh cô bé áo thủy thủ kia, trầm trồ khen cô gái trượt đẹp:
- Em hồi đầu còn vụng hơn chị á. Chị vậy là tập nhanh lắm rồi đó, mới đây mà đã biết vài chiêu rồi…
- Ờ, thì là cái anh kia cũng tận tình hướng dẫn…
- Chị nói thầy Phúc hả? Thầy tốt lắm, lại giỏi và đẹp trai… Giọng cô gái như nhỏ đi đầy trìu mến. Hay là Nhã tưởng tượng?
- Đàn ông mà suốt ngày trượt trượt, thấy cũng kỳ ha!
Nhã nói bâng quơ, dù lòng muốn phang thẳng cụm từ “vô công rồi nghề” ra miệng. Cô gái dường như nén phẫn nộ, bảo:
- Làm gì có! Thầy Phúc ngày đi làm công ty, tối mới bán giày và dạy giúp mọi người thôi. Thầy tốt lắm, lại giỏi và đẹp trai…
Lần này thì không nhầm lẫn gì nữa rồi. Hóa ra gã trai kia đang là thần tượng của các cô nàng đây mà. Cũng chả trách. Thời buổi này, chỉ cần có kỹ năng hay chuyên môn trong một mảng nào đấy, là có thể nổi tiếng, trở thành soái ca, ngay và luôn thôi.
- Thầy Phúc chắc nhiều cô hâm mộ xin làm bồ lắm nhỉ?
Như được “gãi đúng chỗ ngứa”, cô gái bật ra lời than thở:
- Chị chỉ được cái nói đúng. Nhưng mà thầy không có để mắt riêng tư với ai hết, mới sầu!
Lòng Nhã tự dưng nhẹ nhõm vô cớ. Từ khi biết người ta không phải chỉ ham chơi phù phiếm, Nhã hay có phản xạ quan sát một cách vô thức. Câu chuyện của hai mẹ con Nhã gần đây, đề tài thường xuất hiện chữ “thầy Phúc” đến mức khó tin. Nào là “thầy” vừa trượt giỏi vừa dạy dễ hiểu. Nào là “thầy” không có giấu nghề gì hết, cái gì cũng chỉ cho Bin. Nào là “thầy” khen Bin đẹp trai, thông minh lại còn ngoan… Chỉ còn câu hỏi, Bin yêu ai hơn, mẹ hay thầy Phúc là Nhã chưa dám liều thôi. Biết đâu thằng Bin nó cũng ham của lạ người mới, bạc lòng, Sở Khanh như ba nó, là phiền…
Nhã buông một tiếng thở dài trong dạ. Mình lại nghĩ nhiều quá rồi. Đời được mấy tí mà cứ u sầu tăm tối mãi thế này hở Nhã? Câu tự vấn ấy chưa kịp vuột ra, thì Nhã đã mất đà, chúi nhủi về phía bãi cát. Ôi trời! Cái tội trượt mà không tập trung là đây!
Một bàn tay rắn rỏi và ấm áp giữ Nhã lại vừa kịp lúc, giúp Nhã không ngã cái oạch xuống đất. May quá, ai mà có trình “thắng lại” thế này?
- Nhã nhớ đừng quên quét chân hình bán nguyệt để thắng lại chứ!
- Cảm ơn thầy!
Nhã lí nhí trong miệng, tự dưng thấy ngượng ngùng với cái danh xưng lần đầu mình sử dụng. “Thầy” nhìn Nhã có chút ngạc nhiên thú vị, hình như quên là Nhã đã đứng vững lại rồi, nên không thả Nhã ra. Mà Nhã cũng quên rụt tay lại. Hai người cứ loay hoay ngó nhau trong khoảnh sân tráng xi măng được trưng dụng làm chỗ trượt cho dân nghiền patin, tựa hồ như không nghe thấy những âm thanh náo nhiệt xung quanh nữa.
Chẳng rõ bao lâu, Nhã chợt bừng tỉnh, tiếp tục lướt đi. Luống cuống và vụng về không thể tả. Tim đập loạn. Đừng nghen Nhã, bánh vẽ trên đời giờ nhan nhản, khổ một lần rồi, đừng ảo tưởng mà vơ vào mình nữa nghe không! Mà thằng Bin loanh quanh đâu rồi nhỉ? Về thôi, mẹ nó tâm trạng thế này, làm sao mà trượt tiếp cho nổi cơ chứ!