Tờ báo Đức cũng dẫn nhiều ý kiến của các chuyên gia báo động về vấn đề an ninh năng lượng tại châu Âu.
Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt số một tại châu Âu. |
Sau nhiều năm suy giảm, tổng sản lượng khí đốt tại EU đã giảm thêm 3% trong năm 2017 xuống chỉ còn 128 tỷ m3, theo Die Welt. Tờ báo này cũng cho biết, mặc dù có thêm mỏ mới được đưa vào hoạt động tại Romania và Đan Mạch, song sản lượng tại Anh và Hà Lan, vốn là nhà xuất khẩu lớn nhất của châu Âu, lại đang sụt giảm.
Theo tờ báo này, châu Âu ngày càng cần nhiều khí đốt hơn, do nhu cầu tăng liên tục kể từ năm 2014 khi kinh tế phát triển nhanh, ngày càng nhiều các nhà máy nhiệt điện chuyển sang sử dụng khí đốt và việc Đức từ bỏ sử dụng than đá. Theo báo cáo thị trường khí đốt của Ủy ban châu Âu, trong năm 2017, nhu cầu khí đốt tại khu vực này đã đạt 491 tỷ m3, cao hơn 6% so với năm 2016.
Báo cáo này cũng cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 360 tỷ m3 khí đốt trong năm 2017, cao hơn 10% so với năm trước đó, và trích dẫn phân tích từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), dự đoán mức đỉnh dự kiến lên tới 409 tỷ m3 vào năm 2025.
Frank Umbach - Giám đốc nghiên cứu từ Trung tâm an ninh năng lượng và tài nguyên châu Âu (EUCERS) tại Đại học King's ở London, đưa ra lời cảnh báo trên tờ Die Welt: “Câu hỏi làm thế nào để EU có thể đáp ứng được nhu cầu của mình vẫn chưa được trả lời”.
Bên cạnh yếu tố sản xuất ở châu Âu giảm, vấn đề từ các nhà cung cấp quan trọng bên ngoài khu vực có thể khiến tình hình thêm trầm trọng hơn. Nguồn khí đốt lớn thứ 3 của châu Âu - Algeria , đã cảnh báo rằng khối lượng xuất khẩu của họ có thể bị hạn chế trong một vài năm do nhu cầu trong nước tăng.
Bên cạnh đó, theo tờ Die Welt, nhà cung cấp lớn thứ 2 của EU là Na Uy cũng đang bị hạn chế trong việc gia tăng sản lượng khí đốt. Mặc dù doanh số kỷ lục hiện ở mức 120 tỷ m3, nhưng nước này chỉ có thể tăng thêm 1,4 tỷ m3 vào năm 2022, theo thông báo từ cơ quan dầu khí Na Uy.
Theo Die Welt, nhiều chuyên gia năng lượng gia tăng cảnh báo với ngành công nghiệp khí đốt châu Âu về an ninh năng lượng trong khối, sự bất ổn về nguồn khí đốt nhập khẩu và nhu cầu gia tăng.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga hiện đang cung cấp 43% lượng nhập khẩu khí đốt của EU. |
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 vừa diễn ra ở Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Angela Merkel thông báo rằng châu Âu sẽ cần nhiều khí đốt hơn khi Đức ngừng sử dụng năng lượng than và hạt nhân. Trong bối cảnh đó, nguồn khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục chảy qua các đường ống từ Nga, Mỹ và các nước khác dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng, được vận chuyển đến lục địa này bằng đường biển. Die Welt cũng dự đoán về sự cạnh tranh giữa các tập đoàn Gazprom của Nga và các nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại thị trường khí đốt châu Âu.
Trong khi đó, Nga vẫn giữ vững vị trí nhà cung cấp khí đốt số một châu Âu, và thị phần dự kiến sẽ tăng lên trong thời gian tới. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom đang sẵn sàng đưa vào hoạt động dự án tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 chạy dưới biển Baltic và đã lập kỷ lục xuất khẩu trong 3 năm qua.
Trong những năm gần đây, Gazprom đã cung cấp 43% lượng nhập khẩu khí đốt của EU, được hưởng lợi từ thực tế là khí đốt của họ rẻ hơn LNG- khi có giá đang tăng vì nhu cầu cao ở châu Á.
Chuyên gia Umbach nhận định rằng "lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga có thể tăng cho đến năm 2030, song dự kiến về dài hạn sẽ không tăng nhiều do chính sách khí hậu của EU hạn chế khí đốt thông thường và thúc đẩy khí sinh học và nguyên liệu tổng hợp thay thế. /.