Năm 2017 là năm đầu tiên nắm quyền của ông Trump, đồng thời, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam cũng là cơ hội đầu tiên của Tổng thống Mỹ tham dự một hội nghị thượng đỉnh cấp cao ở khu vực.
Biên tập viên (BTV) Prashanth Parameswaran chuyên phụ trách mảng châu Á của tạp chí ngoại giao Diplomat nhận xét, đây là cơ hội đáng giá để Tổng thống Mỹ xoa dịu lo ngại về việc Washington sẽ giảm bớt cam kết của Mỹ tại châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, cũng như triển khai cách tiếp cận mới với khu vực trong các lĩnh vực hợp tác đa phương, chính sách kinh tế, quan hệ đối tác và đồng minh...
Thứ nhất, sự có mặt của ông Trump sẽ giúp tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực, trái với các lo ngại ban đầu là ông Trump sẽ chỉ tập trung lo chuyện nội bộ của xứ cờ hoa. Cam kết ở khu vực châu Á là vô cùng cần thiết với Washington bởi đây là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới.
Trong bối cảnh Mỹ “mắc kẹt” ở khu vực Trung Đông và Bắc Kinh đang nổi lên như một đối thủ trong lĩnh vực kinh tế, Washington mong muốn tạo ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm có thêm các mối quan hệ kinh tế và gây dựng lại vị thế cường quốc.
Dưới thời cựu Tổng thống Geroge Bush và Obama, Mỹ đã bắt đầu hiện thực hóa mối quan hệ với khu vực qua APEC và đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tạo tiền đề cho sự cam kết lớn hơn với khu vực.
Thứ hai, năm nay cũng là dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm thiết lập quan hệ Mỹ - ASEAN. Tháng 11 này sẽ là thời điểm thích hợp để ông Trump gửi tín hiệu sớm và hiệu quả nhất về cách thức tiếp cận quan hệ đa phương với khu vực.
Thứ ba, ông Trump có thể trình bày chiến lược đầu tư và thương mại ở Châu Á, sau khi tuyên bố rút khỏi TPP, khiến nhiều nước trong khu vực lo lắng về khả năng quan hệ thương mại sẽ bị đi xuống.
BTV Prashanth Parameswaran dự báo, hiện tại sẽ là thời điểm để khỏa lấp các khoảng trống do Washington rút khỏi TPP gây ra bằng cách đẩy nhanh các thỏa thuận thương mại song phương với một số nước thành viên TPP như Nhật Bản.
Ngoài ra, tác giả bài viết trên The Diplomat nhấn mạnh, Việt Nam và Philippines được đánh giá là 2 đối tác có vai trò quan trọng với lợi ích an ninh của Mỹ và củng cố vị thế của Washington ở khu vực, đặc biệt chia sẻ nhiều mối quan tâm đến các vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên biển.