Phía Mỹ thông báo hai bên đã đồng ý “về nguyên tắc” để hai nhà lãnh đạo gặp nhau. Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân có vẻ ít dứt khoát hơn khi nói rằng “hai bên đã nhất trí hợp tác cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo ở San Francisco”.
Thế giới hiện đang kỳ vọng cuộc gặp sẽ thành hiện thực. Rõ ràng là Bắc Kinh có xu hướng đồng ý với yêu cầu của Washington về việc các nhà lãnh đạo hàng đầu gặp gỡ, dù Mỹ dường như không từ bỏ phần "đối đầu" trong chính sách “cạnh tranh, hợp tác và đối đầu” đối với Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng khẳng định, mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc sẽ “cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi cần thiết và đối đầu khi cần thiết”.
Các hành động gần đây của Mỹ bao gồm việc mở rộng danh sách trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc, tuần tra ở eo biển Đài Loan và ủng hộ các động thái của Philippines chống lại Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Động thái mới nhất là một nhóm nghị sĩ tại Quốc hội Mỹ đề xuất trừng phạt các quan chức và nhân vật pháp lý Hong Kong.
Trong bối cảnh đó, bầu không khí hiện nay có vẻ không có lợi cho một hội nghị thượng đỉnh hiệu quả, ngay cả với những nỗ lực gần đây hướng tới hợp tác, chẳng hạn như tăng cường các chuyến công du lẫn nhau từ quan chức hai nước.
Terry Su - chuyên gia nghiên cứu tại Hong Kong nhận định, ông Biden có thể kỳ vọng, cuộc gặp với ông Tập sẽ có lợi cho chiến dịch tái tranh cử. Hình ảnh hai người bắt tay có thể miêu tả ông là một tổng thống có khả năng đương đầu với một thế giới đầy rẫy những phức tạp và rủi ro phi thường.
Trong khi đó, việc ông Tập tham dự cuộc họp có thể là điều bình thường bất kể triển vọng thành công hạn chế. Trung Quốc có thể tiếp tục hòa giải với vai bên liên quan có trách nhiệm và tránh cơ hội lợi dụng tình thế khó khăn hiện tại của Mỹ khi phải đối phó với các tình huống bất ngờ đầy thách thức ở Ukraine và Gaza - đồng thời ưu tiên sự cạnh tranh với Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Bắc Kinh có thể phải tính đến khả năng ông Biden không tái đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm tới, một phần vì những diễn biến đang diễn ra ở Trung Đông, theo chuyên gia Terry Su.
Những lời kêu gọi thận trọng và kiềm chế của Mỹ đã không được Tel Aviv đáp lại. Ngoại trưởng Blinken - người gần như là đặc phái viên toàn thời gian về các vấn đề Trung Đông hiện nay - đã kêu gọi tạm dừng chiến sự vì nhân đạo vào tuần trước, nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thẳng thừng bác bỏ ý tưởng này và nhất quyết yêu cầu Hamas giao nộp con tin Israel trước.
Những diễn biến tại Trung Đông do đó có thể ảnh hưởng đến phần nào tới kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm tới. Các diễn biến ở Dải Gaza đang gây ảnh hưởng lên niềm tin của các cử tri Đảng Dân chủ, ngay cả đối với những người ủng hộ ông Biden trong đội ngũ ở Washington.