Theo Thôi Thiên Khải, cựu đại sứ Bắc Kinh tại Washington, những yếu tố bất ổn vẫn che mờ đối thoại Trung-Mỹ, bất chấp chuyến thăm của các quan chức nội các, nhà lập pháp và chính trị gia Mỹ để cải thiện quan hệ song phương.
Đưa ra đánh giá tại diễn đàn quốc phòng Hương Sơn ở Bắc Kinh hôm 29/10, ông Thôi ám chỉ, sự cố “khinh khí cầu trinh sát” hồi tháng 2 là một trong những sự kiện cản trở cam kết của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc nhằm duy trì liên lạc cởi mở giữa các quan chức cấp cao hai bên.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cam kết trên bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 ở Bali, Indonesia vào tháng 11 nhưng “không lâu sau, một số sự cố đã xảy ra và gây ra nhiều cản trở”, ông Thôi cho biết.
Trước đó, một khinh khí cầu giám sát được cho là của Trung Quốc đã bay qua không phận Mỹ, trước khi bị máy bay chiến đấu phản lực của Mỹ bắn hạ vào ngày 4/2. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến thăm vốn được lên kế hoạch từ vài tháng trước đó.
Ông Blinken đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 6, nỗ lực đầu tiên nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới - với những thách thức bất đồng về vấn đề nhân quyền, thương mại và phát triển quân sự.
Nối tiếp chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ là các chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, đặc phái viên về khí hậu John Kerry và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo.
Lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, Chuck Schumer, dẫn đầu phái đoàn lưỡng đảng tới Trung Quốc vào đầu tháng 10. Thống đốc California Gavin Newsom cũng đến thăm vào tuần trước, cho biết ông bác bỏ quan điểm cho rằng Mỹ sẽ được hưởng lợi từ nếu Trung Quốc thua thiệt.
Trong diễn biến liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 29/10 cho biết “con đường tới hội nghị thượng đỉnh San Francisco sẽ không bằng phẳng”.
Tại diễn đàn ở Bắc Kinh, ông Thôi cho biết bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông Tập và ông Biden ở San Francisco vào tháng 11 trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đều phải dựa trên thỏa thuận của các nhà lãnh đạo nhằm mở rộng tương tác giữa các quan chức cấp cao.
“Tất nhiên, rất nhiều việc cần phải chuẩn bị để hiện thực hóa cuộc gặp này và đảm bảo sự kiện thành công”, ông nói, đề cập đến Trung Quốc. “Chúng ta cần tiến lên trên cơ sở sự đồng thuận của Bali.”
Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh năm nay, do Học viện Khoa học Quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân chủ trì, được coi là nỗ lực nhằm khôi phục đối thoại quân sự trực tiếp, các kênh bị gián đoạn giữa Bắc Kinh và Washington sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan vào tháng 8 năm ngoái, trước sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ hợp nhất với Trung Quốc đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết.
Trung Quốc đã cử các tướng Zhang Youxia và He Weidong, Phó chủ tịch Bộ chỉ huy quân sự cấp cao, Quân ủy Trung ương, gặp gỡ các đại biểu nước ngoài tại diễn đàn. Trong khi đó, phái đoàn Mỹ do Xanthi Carras, Giám đốc chính của văn phòng phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ dẫn đầu.
Đối với diễn đàn Hương Sơn diễn ra trực tiếp thời điểm trước đại dịch Covid-19 vào năm 2019, Washington đã cử Chad Sbragia, người sau đó đứng đầu văn phòng đó với tư cách là phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng.
Cựu Đại sứ Thôi cho biết một lĩnh vực hợp tác mở rộng giữa Mỹ và Trung Quốc là phản ứng trước cuộc khủng hoảng khí hậu.
“Tuy nhiên, nhu cầu duy trì các lĩnh vực hợp tác không tự động che lấp hoặc làm biến mất những bất đồng hoặc các vấn đề cấp bách khác nhau trong quan hệ song phương”, ông Thôi nói.
Sự đồng thuận của lưỡng đảng tại Mỹ về cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc đã được củng cố trong Quốc hội gần đây, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự gần Đài Loan và khu vực Biển Đông. Trong khi đó, những quan điểm tiêu cực áp đảo đối với Trung Quốc ở Mỹ cũng gia tăng. Một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Pew vào tháng 3 cho biết 83% người Mỹ trưởng thành có quan điểm không thiện cảm với Trung Quốc.
Ông Thôi Thiên Khải giữ vị trí đại sứ tại Mỹ từ năm 2013 đến năm 2021. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông Thôi vẫn tích cực làm cố vấn cho các phái đoàn Trung Quốc tại các hội nghị quân sự quốc tế như Hương Sơn và Đối thoại Shangri-La của Singapore.