Ngày 20/1, Donald Trump sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ, nhưng ông chỉ là tổng thống thứ 14 tuyên thệ nhậm chức vào ngày này.
Trước đó, các tổng thống đắc cử Mỹ đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 4/3, kể từ lần nhậm chức thứ hai của George Washington năm 1793 (ông Washington nhậm chức lần đầu tiên vào ngày 30/4/1789). Ngày 4/3 là ngày chính phủ liên bang bắt đầu hoạt động theo hiến pháp Mỹ năm 1789.
Các nhà lập pháp khi đó thấy rằng cần có một khoảng thời gian đáng kể giữa cuộc bầu cử và lễ nhậm chức để quan chức địa phương kiểm kết quả bầu cử và tổng thống có thời gian chọn ứng viên nội các và di chuyển đến thủ đô để làm việc.
Tuy nhiên, sự ra đời của công nghệ hiện đại nhanh chóng làm rút ngắn thời gian thực hiện những công việc này. Kết quả bầu cử được kiểm nhanh hơn nhiều và các quan chức dân cử có thể đến Washington DC trong một vài ngày thay vì vài tuần hoặc vài tháng. Vì vậy, 4 tháng "vịt què" (từ để chỉ quan chức vào cuối nhiệm kỳ, khi người kế nhiệm đã được chọn) trở nên không cần thiết và còn gây ảnh hưởng tiêu cực. Khi Franklin D. Roosevelt đắc cử vào năm 1933, thời kỳ kéo dài này khiến ông không thể ngay lập tức giải quyết các thách thức kinh tế mà quốc gia phải đối mặt trong Đại suy thoái.
Vì vậy, các nhà lập pháp đã thúc đẩy để có sự thay đổi và đưa ra tu chính án hiến pháp thứ 20, quy định ngày lễ nhậm chức chính thức là 20/1. Kể từ ngày nhậm chức nhiệm kỳ hai của ông Roosevelt năm 1937, tất cả ngày trọng đại của các tổng thống kế nhiệm đều được tổ chức vào tháng một.
Nếu ngày 20/1 rơi vào Chủ nhật thì một lễ tuyên thệ nhậm chức riêng và đơn giản sẽ được tổ chức tại Nhà Trắng. Lễ nhậm chức công khai và các sự kiện ăn mừng sẽ được tổ chức vào thứ hai, ngày 21/1. Từ khi tu chính án hiến pháp thứ 20 của Mỹ được phê duyệt, trường hợp này xảy ra với ba tổng thống: Dwight Eisenhower năm 1957, Ronald Reagan năm 1985 và Barack Obama năm 2013. Việc tổ chức lễ kép được thực hiện nhằm đảm bảo một cuộc chuyển đổi quyền lực suôn sẻ và tuân thủ hiến pháp.