Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lý giải cơn sốt vàng tại Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lo ngại lạm phát leo thang, người dân Trung Quốc đổ xô di mua vàng và chỉ trong hai tháng đầu năm nay họ đã mua gần một nửa sản lượng vàng của thế giới.

KTĐT - Lo ngại lạm phát leo thang, người dân Trung Quốc đổ xô di mua vàng và chỉ trong hai tháng đầu năm nay họ đã mua gần một nửa sản lượng vàng của thế giới.

Đầu năm 2010, Trung Quốc công bố mức lạm phát 1,5% nhưng cuối năm, chỉ số giá cả lại tăng lên tới 4,9%. Lạm phát leo thang kéo giá cả thực phẩm và nhu yếu phẩm ở Trung Quốc tăng chóng mặt. Hiện nay giá thực phẩm tăng tới 10,3%, thóc giống tăng 15,1% và hoa quả tăng 34,8% so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Lạm phát của Trung Quốc bắt nguồn từ gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá 585 tỉ USD mà chính phủ đưa ra nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính 2 năm trước. Lượng tiền khổng lồ này đang trôi nổi trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và kéo lạm phát của nước này lên tới gần 5%.

Để giữ cho nguy cơ lạm phát không vượt quá tầm kiểm soát, chính quyền của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã thực hiện một số bước như siết chặt luật giá cả và tăng thêm yêu cầu cho các khoản vay, tăng mức phí trả góp khi muốn mua nhà.

Riêng trong năm 2010, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã 4 lần tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại trong nước và lần gần đây nhất là vào tháng 11/2010. Ngoài ra, Trung Quốc còn nâng lãi suất tiền gửi và cho vay kỳ hạn một năm thêm 25 điểm, lần tăng đầu tiên trong gần 3 năm qua.

Để làm dịu bớt tình trạng bong bóng bất động sản, dự kiến trong năm 2011, chính phủ Trung Quốc sẽ công bố một loại thuế mới nhằm hạn chế người mua nhà thứ hai để tránh tình trạng đầu cơ bất động sản. Trước đó, nước này cũng thực thi các biện pháp thắt chặt tiền tệ từ tháng 4/2010 nhằm hạ nhiệt thị trường bất động sản và ngăn ngừa bong bóng tài sản khi nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn ở mức gần 10%.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chưa một biện pháp nào trong số đó có thể kiềm chế lạm phát như mong đợi. Nỗi sợ hãi về việc không kiểm soát được lạm phát thậm chí có thể dẫn tới siêu lạm phát đối với nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng lên.

Hoang mang và mất lòng tin vào tiền mặt, một bộ phận trong số 1,3 tỷ dân Trung Quốc đã chọn vàng như một sự đảm bảo tài chính và số người tìm nơi trú ẩn ở vàng đang gia tăng chóng mặt. Theo đánh giá của chuyên gia tờ Mining Speculator, người Trung Quốc có thể mua tới 42,3 triệu ounce vàng trong năm 2011.

Theo thống kê của Swiss Bank (USS), trong 2 tháng đầu năm 2011, người Trung Quốc mua gần 50% sản lượng vàng của thế giới trong thời gian này.

Trên tờ Financial Times, một nhà điều hành tại ngân hàng ICBC của Trung Quốc mô tả về nhu cầu vàng của người dân là “ngấu nghiến” do mức lạm phát 4,9%. ICBC - một ngân hàng có thị phần lớn nhất Trung Quốc, thậm chí còn tạo những tài khoản dự trữ vật chất với Hiệp hội Vàng thế giới. Số tài khoản này hiện đã đạt hơn 1 triệu tài khoản, tương đương với 12 tấn vàng.

Zhou Ming, Phó giám đốc quản lý về kim loại quý của ICBC, cho biết ngân hàng đã bán ra 250.000 ounce vàng miếng trong tháng 1/2011, tương đương với 50% lượng vàng ngân sách bán ra trong cả năm 2010. Không chỉ có vàng, ông Zhou cũng lưu ý về nhu cầu bùng nổ đối với bạc, khi ICBC đã bán ra tới 13 tấn bạc miếng trong tháng 1, đã bằng một phần số lượng bán ra trong cả năm 2010 (33 tấn).

Chuyên gia Greg McCoach của tờ Mining Speculator nhận xét, nhu cầu về vàng tại Trung Quốc đang bùng nổ và nhu cầu cá nhân thì đang ở mức báo động. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trên thực tế, thế giới vẫn chưa biết lượng vàng thực sự mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang nắm giữ. Chỉ biết rằng nước này vẫn mua vàng mỗi lần giá vàng thế giới giảm nhưng không cho biết số lượng cụ thể.

Bên cạnh ICBC, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã và đang chuyển đổi gần 3.000 tỷ USD tiền mặt sang vàng để bảo vệ chính mình trước nguy cơ suy yếu của đồng đôla.

Còn chính phủ Trung Quốc vẫn đang âm thầm thu gom vàng trong thị trường quốc nội. Điều này cho thấy việc tích trữ vàng có thể là một bước trong chiến dịch dài hơi nhằm đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế dẫn đầu về dự trữ vàng trên toàn thế giới.

Hiệp hội vàng thế giới cho rằng nhu cầu vàng của Trung Quốc sẽ còn tăng gấp đôi trong 10 năm tới cũng như thứ kim loại quý giá này cũng sẽ ngày càng thu hút thêm số lượng các nhà đầu tư.