Cứu trợ ngành ô tô
Ngày 13/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Tài chính sau khi nhận được công văn kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước của TC Motor. Kiến nghị hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp đang được nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong tháng 8/2021.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp (DN) nghiên cứu kiến nghị của TC Motor, đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19. Đồng thời đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19, báo cáo thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2021.
Cùng kiến nghị về việc giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và công văn kiến nghị gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương về việc tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Các văn bản UBND tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam đề xuất một số giải pháp gồm: Gia hạn, kéo dài thêm chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Cho phép các DN mới thành lập được tham gia vào chương trình ưu đãi thuế mà không xem xét tiêu chí về sản lượng tối thiểu trong 3 năm đầu tiên; Gia hạn thời hạn nộp thuế thiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước…
Trước đó, Nghị định số 70/2020/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu theo quy định, áp dụng đến hết ngày 31/12/2020 được xem là giải pháp ngắn hạn để kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc giảm 50% lệ phí trước bạ trong khoảng thời gian nêu trên đã làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 3.700 tỉ đồng.
Áp lực doanh nghiệp sản xuất
Hồi tháng 5/2021, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị một số chính sách hỗ trợ bổ sung cho DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, VAMA có kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới để tháo gỡ khó khăn cho thị trường ô tô. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã bác đề xuất này.
Nói về đề xuất bị bác bỏ này, Chuyên gia kinh tế, Thạc sỹ Tạ Việt Anh cho biết, do các đối tượng xin giảm phí của VAMA bao gồm cả xe nhập khẩu và sản xuất trong nước nên không khả thi. Bởi ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hãng xe đều gặp khó khăn. Nhưng đối với dây chuyền vận hành, ngành ô tô sản xuất lắp ráp sẽ gặp khó khăn nhiều hơn vì chi phí, áp lực cân đối thị trường.
Trong khi đó đối với ô tô nhập khẩu, thông thường chỉ cần vài trăm người để vận hành. Hãng nhập khẩu có thể điều chỉnh được số lượng nhập khẩu tuỳ theo tình hình thị trường mà không cần thiết phải duy trì số lượng như thời điểm không có dịch.
Do đó, nếu áp dụng giảm phí cào bằng với toàn bộ xe ô tô dù sẽ có lợi cho người sử dụng dụng, nhưng vô hình chung sẽ kích cầu cho nhập khẩu, khiến các nhà sản xuất, lắp ráp trong nước vốn đã yếu nguồn lực, chịu ảnh hưởng của Covid-19 nay lại tăng áp lực về doanh số.
Trong khi đó, theo Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng, dù giảm 50% phí trước bạ hay không người dùng đều được lợi. Cụ thể, hiện nay các hãng gần như đều đang phải bỏ tiền túi ra để kích thích mua sắm ô tô, thậm chí có những hãng tặng 50 – 100% lệ phí trước bạ, hoặc đại lý giảm giá còn nhiều hơn cả mức hỗ trợ lệ phí trước bạ.
Ở những tỉnh, TP thực hiện giãn cách xã hội, người mua có thể đặt cọc để lấy giá tốt, đợi hết giãn cách đi nhận xe. Do đó, trường hợp kiến nghị hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ được thông qua, các hãng xe sẽ rút các chính sách ưu đãi, giảm giá, DN sản xuất có điều kiện giảm bớt chi phí, còn giá lăn bánh có thể cũng sẽ không quá thấp như nhiều người kỳ vọng.