6 năm, đào tạo được 5 người
Điểm qua các cây bút lý luận phê bình văn học có mặt tại Hội nghị lần thứ 3 này thấy có các nhà nghiên cứu đầu ngành như: Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Phong Lê, Văn Giá… Và đếm trên đầu ngón tay các gương mặt trẻ: Trần Thiện Khanh, Đoàn Ánh Dương, Phan Tuấn Anh. Thực tế này khiến nhà phê bình Ngô Thảo không khỏi ưu tư: "Gặp toàn người quen ở đây, chẳng biết nên vui hay buồn. Đây đâu phải hội nghị của những cây viết đã… về hưu". Lực lượng cầm bút hiện nay chủ yếu là lớp trẻ thì lại có không nổi 10% số người dự hội nghị.
Lý luận phê bình đang thiếu những cây viết trẻ, định hướng cho thị hiếu văn học. Trong ảnh: Ngày hội đọc sách tại Văn Miếu. Ảnh: Hoài Trâm
Nhà phê bình Văn Giá - Trưởng khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: "Đa số các học viên của khoa chúng tôi hiện nay nghiêng về sáng tác. Họ xem đây là cơ hội để nâng cao năng lực. Chưa bao giờ Khoa sáng tác và phê bình lý luận văn học của Đại học Văn hóa có nhiều người theo học. Năm 2007 có 3 người, khóa 9 được 1 người, khóa 10 được 1 người. Từ khóa 11 - 13 không có ai theo học ngành này nữa". Mặt khác, hiện sinh viên Ngữ văn ra trường xin được làm báo, tạp chí văn nghệ rất ít. Số người vào báo, tạp chí viết về phê bình văn học lại càng ít hơn. Bởi vậy, những cây bút lý luận phê bình văn học trẻ hiện nay chủ yếu là "tay ngang".
Nhiều bất cập
Nhà phê bình Huỳnh Thị Thu Hậu, Đại học Quảng Nam chia sẻ: "Đốt đuốc tìm nhà phê bình đã khó, nhưng nếu có thì cũng chẳng ai theo ngành và sống được bằng nghề. Chúng tôi vừa đi dạy, vừa nghiên cứu, vừa làm phê bình. Đi dạy thì có lương và chúng tôi nhận lương đó để làm phê bình".
Thêm vào đó, các nhà phê bình còn không khỏi bức xúc với kiểu viết được đặt tên là "phê bình truyền thông" của những tác giả "môi giới thông tin". Như giới trong nghề phân tích, đây là cách phê bình có tính tâng bốc, cường điệu, phóng đại về văn bản, nhắm đến tạo hình ảnh đẹp cho tác giả và đơn vị phát hành, chiều theo thị hiếu của số đông. Theo nhà phê bình Trần Thiện Khanh, thực chất, đó là những bài PR cho sách. Dần dần, phê bình văn học đã làm thương mại hóa hoạt động văn học, biến tác phẩm văn học thành thương phẩm, biến các tác giả và đơn vị xuất bản thành các thương hiệu, đẩy các tác giả phê bình học thuật hàn lâm ra phía sau để cho phê bình nghiệp dư lấn lướt. Và người làm nghề cho rằng, nếu phê bình hàn lâm phối hợp với phê bình truyền thông thì tình hình sẽ khác.
Thực tế đã cho thấy, phê bình văn học gần như đang đứng ngoài cuộc, thiếu vắng những nhận định mạnh mẽ và cần thiết để định hướng cho văn học đương đại. Không quá khi TS Đỗ Văn Long, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: "Nếu không bám sát đời sống sáng tác và đưa ra nhận định về những hiện tượng văn học mới, thậm chí cực mới và khiến người ta hoang mang, hoạt động nghiên cứu phê bình văn học đại học Việt Nam sẽ thành một "ngành nghiên cứu xác ướp".