Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

M&A bất động sản: Đại gia chi bạo

Việt Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, tại TP Hồ Chí Minh, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) dự án bất động sản (BĐS) diễn ra âm thầm, nhưng không kém phần khốc liệt.

Đằng sau các thương vụ M&A được nhận định là có bóng dáng của các đại gia, vì có lợi thế về tài chính nên không ngừng mở rộng quy mô, gia tăng quỹ đất.

Những thương vụ đình đám

Thị trường BĐS phía Nam những tháng gần đây đã chứng kiến hàng chục thương vụ M&A dự án lớn với việc một số DN có tiềm lực tài chính mạnh đã "bạo chi" nhằm thâu tóm những dự án thuộc diện "đất vàng" để phát triển dự án.

Tòa nhà khu căn hộ biệt lập ven sông - một trong những dự án M&A thành công của An Gia Investment.

Trước tiên phải kể đến Công ty CP Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Corp). Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, DN này đã thành công trong việc mua lại hơn 8.000m2 quỹ đất của Công ty Sơn Bạch Tuyết. Dự án sở hữu vị trí đắc địa - nằm trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), kết nối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong khoảng 10 - 15 phút chạy xe. Mới đây nhất, DN này đã mua lại quỹ đất của Công ty CP Đầu tư BĐS Phát Đạt tại Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) và ngay lập tức đẩy mạnh phát triển dự án với tên gọi Cam Ranh Mystery Villas. Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng.

Tiếp đó là Công ty CP Đầu tư Căn nhà mơ ước (DRH) - DN đang có tham vọng mở rộng quy mô thông qua việc thu gom quỹ đất, gần đây cũng liên tục công bố thông tin mua lại hàng loạt dự án. Mới đây nhất, DRH đã chi hàng trăm tỷ đồng mua 2 dự án là Terracotta Hill và Metro Valley. Được biết, DRH đầu tư thông qua việc mua lại 99% cổ phần của Công ty Đông Sài Gòn.

Ngoài 2 cái tên kể trên, một loạt "ông lớn" khác như Đất Xanh, An Gia Investment, Phát Đạt, Quốc Cường Gia Lai, Thủ Đức House… cũng không ngừng đẩy mạnh hoạt động M&A nhằm mở rộng quy mô, gia tăng quỹ đất nhằm tạo "thế đứng" vững chắc trong tương lai.

Theo nhận định của giới chuyên môn, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng gần 13 triệu dân, nhu cầu nhà ở rất lớn. Chính vì vậy, DN nào nắm giữ được càng nhiều quỹ đất sẽ càng có nhiều cơ hội để phát triển. Do vậy, hoạt động M&A dù diễn ra âm thầm nhưng cũng không kém phần khốc liệt, nó như những con sóng ngầm khó đoán.

Xu hướng “đi tắt đón đầu”
Hoạt động M&A dự án BĐS tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua diễn ra khá mạnh và vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, bởi hiện nay vẫn còn đến hàng trăm dự án đang dang dở, chờ được giải cứu.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh

Dễ dàng nhận thấy, đằng sau các thương vụ M&A là bóng dáng của các đại gia "bạo tiền", thậm chí là "cá lớn nuốt cá bé". Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây cũng là lối thoát cho các dự án đang bị "đắp chiếu”, đồng thời, nhờ dòng vốn và những DN mới, sẽ tạo đột phá cho thị trường, giảm tồn kho BĐS, nợ xấu ngân hàng...

“Mua - bán dự án diễn ra càng mạnh mẽ, sẽ góp phần tạo sự phát triển ổn định cho thị trường BĐS và kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, hoạt động mua - bán dự án hiện nay có thể được hiểu là sự điều chuyển các dự án từ những DN không có nhu cầu hoặc thiếu tính chuyên nghiệp sang các DN chuyên nghiệp, mạnh về tài chính để triển khai, tránh tình trạng dự án bị đắp chiếu, hàng tồn kho gia tăng” - ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh nhận định. Hiện tại, Hưng Thịnh đã và đang phát triển khoảng 30 dự án BĐS, trong đó phần lớn dự án xuất phát từ các thương vụ M&A.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không có những DN thực sự chuyên nghiệp, sẽ không có những khu đô thị đẹp, dự án hiện đại được xây dựng một cách bài bản. Theo ông Châu, chính sự chuyển giao dự án từ những DN yếu năng lực sang DN chuyên nghiệp thời gian qua đã làm tăng tính thanh khoản thị trường, làm giảm hàng tồn kho và phục hồi niềm tin của người tiêu dùng.

Còn theo ông Lương Sĩ Khoa - Phó Chủ tịch HĐQT An Gia Investment, M&A là con đường ngắn nhất để các DN gia tăng tích lũy quỹ đất sạch, mở rộng quy mô, phát triển dự án. Tuy nhiên, để đi đến thành công trong hoạt động M&A, ngoài việc "bạo tiền", DN phải thực sự là nhà đầu chuyên nghiệp, chứ không phải cứ mua xong là xong. "Hoạt động M&A giúp cho DN tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù và giải tỏa mặt bằng... Tuy nhiên, DN phải biết tận dụng cơ hội để giới thiệu sản phẩm ngay” - ông Khoa chia sẻ.

Chuyên gia nhận định

Giải pháp hiệu quả cho dự án “chết”

Theo ông Trần Văn Dũng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Quản lý bất động sản (BĐS) Trường Phát, hiện nay, các thủ tục triển khai dự án BĐS vẫn còn rất nhiêu khê và thời gian kéo dài, đây là trở lực rất lớn cho tất cả các DN. Trong bối cảnh đó, hoạt động mua bán, sáp nhập dự án (M&A) được xác định là con đường nhanh nhất và ít rủi ro nhất. Tuy nhiên, trong cuộc chơi này, DN trong nước sẽ có lợi thế hơn. Bởi DN nước ngoài có thế mạnh về tài chính và kinh nghiệm quản lý, nhưng DN trong nước lại có lợi thế rất lớn về khả năng tiếp cận quỹ đất, sự am hiểu về thị trường, môi trường kinh doanh và các chính sách pháp lý.

Trong 6 tháng cuối năm, hoạt động M&A trong lĩnh vực BĐS nhiều khả năng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn. Bởi vì, không chỉ thị trường vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, mà lượng hàng tồn kho vẫn còn rất lớn, nhất là sự tác động trực tiếp từ chính sách khiến các DN phải bắt tay nhau như một xu hướng hiển nhiên. Tại TP Hồ Chí Minh, có tới hàng trăm dự án chưa mua bán được, việc chủ đầu tư chưa đủ năng lực để thực hiện dự án, để dự án "chết" thì việc tìm kiếm một đối tác, chuyển nhượng lại một phần hoặc toàn bộ dự án là một giải pháp hiệu quả. Các DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS đã có quỹ đất nhưng chưa đủ nguồn lực tài chính để đầu tư thì nên sáp nhập với những DN lớn hơn.

Gia Việt  ghi