Nhưng đáng buồn, vi phạm vẫn diễn ra rất phổ biến, nhất là trong những dịp cuối năm, giáp Tết, khi nhậu nhẹt, chúc tụng nhau đã trở thành thói quen của nhiều người.
Chỉ trong hai tuần qua, cả nước đã phát hiện, xử phạt 20.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Mức phạt đối với hành vi này lên đến vài chục triệu đồng, tước bằng lái nhiều tháng, và đặc biệt không thể “xin - xỏ”.
Có thể khẳng định, CSGT đã làm hết mình để ngăn chặn những “ma men” sau tay lái. Công đồng xã hội cũng đã lên án rất gay gắt hành vi này; công tác tuyên truyền, vận động được làm sâu rộng, bền bỉ. Rất nhiều trường hợp say xỉn khi lái xe đã phải chịu những mức xử phạt tương xứng. Thậm chí không ít trường hợp phải trả giá bằng chính cuộc đời của người vi phạm, bằng mạng sống của những nạn nhân. Nỗi ám ảnh, hối hận theo đuổi họ suốt cả cuộc đời. Vậy mà "ma men" sau tay lái vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người khi tham gia giao thông.
Nguyên nhân rõ ràng là ý thức khi không ít người vẫn cố tình coi thường luật pháp và tính mạng, sức khoẻ của những người xung quanh. Sự khinh suất, chủ quan của những người đã sử dụng rượu bia vẫn lái xe cũng có phần trách nhiệm của chính gia đình họ, những người gần gũi, thân thiết nhất nhưng không quyết liệt, mạnh mẽ lên án, khuyên ngăn.
Cơ quan chức năng đã thể hiện rõ quyết tâm từng ngày không thoả hiệp với “ma men” sau tay lái. Giờ đây mỗi người dân, mỗi gia đình phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh vì chính bản thân và hạnh phúc gia đình, cũng như vì cộng đồng xã hội.
Mỗi người vợ, người chồng, mỗi bậc cha mẹ, con cái, anh em, bạn bè… đều phải tự nâng cao ý thức của mình, nói không với rượu bia khi lái xe. Cùng với đó mỗi gia đình phải là một tổ tuyên truyền, nhắc nhở, vận động người thân không cầm lái khi đã uống rượu bia. Cả xã hội phải chung tay, đồng lòng, đẩy lui và xóa sổ “ma men” cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Thời gian qua, nhiều bộ, ngành, cơ quan Nhà nước đã nghiêm cấm cán bộ, người lao động sử dụng rượu bia khi chưa hết ngày làm việc. Tiến tới các tổ chức, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, nắm bắt thông tin cán bộ, người lao động vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn để cùng tuyên truyền, giáo dục, hoặc có hình thức xử lý đích đáng, nhằm ngăn chặn các hành vi này tái diễn. Tuy nhiên, trên hết mỗi người dân phải phải biết quý trọng tính mạng, cuộc sống, hạnh phúc gia đình mình, có ý thức đối với cộng đồng xã hội. Đừng tự biến mình thành “ma men” sau tay lái.