Thủ đoạn được cơ quan điều tra xác định, các đối tượng móc nối với người dân trên địa bàn huyện Ba Vì tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hình thức đưa người đi xuất khẩu lao động. Theo đó, Trung và Thu lên kế hoạch lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản với mức lương 40 triệu đồng/tháng. Tại xã Quang Minh, huyện Ba Vì, hai đối tượng gặp một người tên Cảnh (bạn của Thu), để quảng cáo có thể đưa người đi xuất khẩu lao động. Hơn nữa, Thu rêu rao sẽ lo được mọi thủ tục, chỉ cần đưa cho cô ta bộ hồ sơ gồm: Phô tô công chứng Chứng minh Nhân dân, sổ hộ khẩu, bằng cấp cùng 8 ảnh chân dung 3x4 và đưa trước 30 triệu đồng trong tổng số chi phí 175 triệu đồng/người. Sáu tháng sau, công ty sẽ có giấy báo đi xuất khẩu lao động làm thủ tục lên máy bay sang Nhật Bản. Để nạn nhân tin tưởng, Thu còn cho biết, trong tổng số tiền chi phí, mỗi người sẽ được công ty (nơi tổ chức đưa đi) và Ngân hàng Chính sách hỗ trợ cho vay. Với thủ đoạn trên, đã có nhiều gia đình ở huyện Ba Vì bị "mắc bẫy". Qua tìm hiểu của phóng viên, những nạn nhân của vụ việc này đều là nông dân, cuộc sống gia đình rất khó khăn vất vả. Với mong muốn thoát nghèo chính đáng, các gia đình đều muốn con em đi sang Nhật Bản làm để thay đổi cuộc đời nên đã vay mượn tiền khắp nơi đưa cho các đối tượng lừa đảo. Vụ việc được làm rõ là lời cảnh báo tới nhiều gia đình, đặc biệt các hộ dân ở nông thôn không nên tin vào những lời quảng cáo được làm việc với lương cao ở nước ngoài của các đối tượng lừa đảo. Đồng thời, khi nhận được những thông tin giới thiệu đi xuất khẩu lao động người dân nên đến cơ quan chức năng tìm hiểu và xác minh thông tin. Ngoài ra, khi có nghi vấn đối với các đối tượng lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an địa phương để xử lý. Có như vậy, vừa không mất tiền vừa góp phần đẩy lùi hoạt động tội phạm với thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động.