Roberto Mancini vẫn tỏ ra thận trọng và khiêm tốn: "Điều duy nhất khiến tôi hài lòng là chúng tôi đã thắng ở Old Trafford, điều mà hiếm đội làm được. Đại thắng cũng chỉ là 3 điểm chứ không phải 6 điểm. Manchester United vẫn trên chúng tôi một bậc. Nếu vào cuối mùa mà chúng tôi vô địch thì hãy bàn lại vấn đề này".
Có thể đó là lời nói mang tính ngoại giao, nhưng cũng có thể thật lòng, dù đây là chiến thắng lịch sử. Man City của Mancini thừa hiểu đối thủ của mình là ai. Gác M.U 5 điểm chẳng là gì. Thời điểm này mùa trước, Chelsea cũng hơn phần còn lại 5 điểm. Nhưng rồi sau đó, khi Chelsea tự ngã thì M.U đã thực hiện cú tăng tốc ngoạn mục. Mà đó không phải là lần đầu tiên. M.U đã quá quen với những màn nước rút và lật ngược tình thế. Hỏi Arsenal của Wenger, hỏi Chelsea của Ancelotti, hỏi Liverpool của Benitez là đủ biết.
Thất bại đau đớn ở derby có ảnh hưởng đến tinh thần của M.U? Chắc chắn là có. Nhưng ở mùa 2008-09, họ từng thua tác 1-4 trước Liverpool tại Old Trafford. Cũng là một thất bại lịch sử, nhưng sau đó M.U vẫn đứng dậy chóng vánh và đăng quang vào cuối mùa. Thất bại kiểu tennis là một vết nhơ trong lịch sử derby đối với M.U. Nhưng chức vô địch vào cuối mùa mới phân định kẻ chiến thắng.
Khi gạt bỏ số bàn thua khủng khiếp ở Old Trafford thì những gì còn lại là M.U chỉ mới thua 1 trận ở mùa này sau khi đã gặp hết các đối thủ mạnh nhất. 12 trận tới đây ở Premier League, các đối thủ của họ chỉ tầm trung bình và yếu mà thôi. Họ đại bại trước Man City nhưng đủ sức toàn thắng cả 12 trận ấy. Man City thì sao? Họ còn phải gặp Chelsea, Arsenal và Liverpool. Khi bước sang năm mới, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu M.U san lấp khoảng cách 5 điểm hay vươn lên chiếm ngôi đầu.
Thời buổi bây giờ, sẽ là lạc hậu và cố chấp nếu cho rằng tiền bạc không thể đánh bại truyền thống. Từ 6, 7 năm về trước, Chelsea đã chứng minh điều này. Mùa 2004-05, mùa đầu tiên với Jose Mourinho, người ta đã nghi ngờ khả năng vô địch của Chelsea như từng với Man City mùa này. Thời điểm ấy, Chelsea của Mourinho đã phải cạnh tranh với 2 thế lực mạnh khủng khiếp. Thứ nhất là Arsenal, vừa trải qua mùa giải bất bại huyền thoại. Thứ hai là M.U, đội bóng thành công nhất trong lịch sử Premier League. Nhưng Chelsea của Mourinho vẫn bước lên ngai vàng.
Trận đấu mang tính bước ngoặt chính là chiến thắng 1-0 trước M.U tại Stamford Bridge, với bàn thắng của Gudjohnsen. Trận thắng nhọc nhằn ấy đã mang lại sự tự tin to lớn cho Chelsea và họ không còn sợ hãi trước bất kỳ đối thủ nào. Đến tận vòng 9, họ mới thua trận đầu tiên, trước... Man City, với pha làm bàn duy nhất của... Anelka. Và đó cũng là thất bại duy nhất của Chelsea ở mùa ấy. Họ kết thúc với số điểm kỷ lục 95, hơn Arsenal 12 điểm, hơn M.U 18 điểm!
Dường như điều tương tự đang tái hiện với Man City, cũng bị kẹp giữa hai thế lực là M.U và Chelsea. Như Chelsea trước đây, Man City không thiếu ngôi sao đẳng cấp cao nhưng bị nghi ngờ về khả năng kết hợp những ngôi sao thành một đội bóng mạnh. Mourinho đã làm được với Chelsea. Mancini đang làm rất tốt ở Man City. Dù bên ngoài sân cỏ vẫn tồn tại một vài vấn đề, Man City là một tập thể vững mạnh, kỷ luật và thi đấu rất ăn ý trên sân bóng. Hãy nhớ lại các bàn thắng của họ ở Old Trafford, bàn nào cũng được thực hiện sau những pha phối hợp rất ăn ý, đặc biệt là ở bàn thứ hai khi Silva chuyền bóng nhạy cảm, Milner âm thầm băng xuống và căng ngang để Balotelli ghi bàn. Trước khi Balotelli mở tỷ số, Man City đã chơi rất kỷ luật ở phần sân nhà và họ chỉ bùng lên ở thời điểm thích hợp (Evans bị đuổi).
Mùa trước, Man City không biết đến chiến thắng trên sân các đội bóng thuộc nhóm Tứ đại gia truyền thống. Nguyên nhân là họ thiếu sự tự tin cần thiết. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã đổi thay sau trận đại thắng ở Old Trafford. Họ giờ có tự tin đến Stamford Bridge và kiếm tìm 3 điểm. Họ không còn phải lo chăm chăm đá hòa ở Emirates hay ở Anfield.
Tự tin là tốt, nhưng đừng quá tự tin. Cái gì quá cũng không tốt, kể cả... tốt quá. Nhìn gương M.U là đủ hiểu!