Từ lâu, Tây Bắc nổi tiếng với khung cảnh núi rừng hùng vĩ, ruộng bậc thang hút tầm mắt, làm mê đắm lòng người lữ khách. Bức tranh về khung cảnh cuộc sống đầy màu sắc khiến ta mê say trước những gam màu tươi sáng mà lãng quên những gam màu xám.
Đó là những hình ảnh về những mảnh đời bất hạnh, những em thơ khó khăn trên hành trình tìm đến con chữ.
Còn có cả các em thơ đầu trần, chân đất, bươn chải cùng cái nắng hè rát bỏng hay cái rét te người của mùa đông lạnh giá. Thậm chí, những cụ già chân yếu mắt mờ vẫn chưa hết lo toan với cuộc sống cơm áo đời thường. Và cả những gia đình cơm không đủ ăn áo không đủ mặc...
Mùa đông gõ cửa, những con người trong manh áo mùa hè, không áo ấm, không khăn quàng, không giày tất mũ dép… và thập chí là đói khát đang phải đối diện với cái lạnh cắt da, cắt thịt.
Là một trong những địa phương thuộc 61 huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết số 30A/2008/NQ-CP năm 2008 của Chính phủ, xã Pả Vẩy Sủ, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang hiện có 7 thôn, hầu hết đều chưa có điện, nước sạch, nằm trên khu vực núi đá cao, đường đi hiểm trở. Con đường dẫn từ trung tâm huyện Xín Mần lên tới trung tâm xã dài 27km hiện đã xuống cấp trầm trọng. Được làm từ rất lâu nhưng do địa hình núi cao cộng với mưa lũ nên bị xói mòn nhiều đoạn, dù đã được sửa chữa nhiều lần nhưng nó vẫn là thử thách đối với người dân nơi đây. Cứ mỗi đợt mưa về, Pả Vẩy Sủ như một ốc đảo tách biệt với thế giới.
Nhưng, những con đường đất và đá dẫn tới các thôn trong xã còn khủng khiếp hơn nhiều. Mỗi lần gặp mưa, con đường ấy dường như dài vô tận bởi sự trơn trượt. Người dân dường như không bao giờ đi ra khỏi bản khi trời mưa và những ngày sau đó.
Dân sinh sống tại Pả Vẩy Sủ chủ yếu là người dân tộc Mông, họ thường sinh sống trên những triền núi cao. Do điều kiện giao thương rất hạn chế nên hầu hết những ai đến với Pả Vẩy Sủ lần đầu đều cảm giác như được ngược thời gian cả thế kỷ khi thấy những ngôi nhà trình tường bằng đất, cùng những chiếc đèn bếp. Hiện, chỉ tại Thèn Ván (Trung tâm xã) là có điện. Hệ thống nước sử dụng đều lấy từ các nguồn nước tự nhiên là các mạch nước nhỏ được tụ làm các bể chứa để sử dụng, hoặc nước mưa. Tuy nhiên, do bị sạt lở nhiều lần nên hệ thống bể chứa thường xuyên bị hỏng và không thể sử dụng được. Nguồn nước cho các trường học phải xin từ các nơi hoặc khu trung tâm xã.
Từ lâu, tinh thần “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “chia ngọt sẻ bùi”… đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, mang giá trị nhân văn sâu sắc, hun đúc nên những phẩm chất con người Việt
Ngày 12/11, Ban Tổ chức đã trao 200 chăn, 500 đôi ủng, 500 áo ấm, 6 tủ sách, 288 bộ sách giáo khoa, 1500 quyển vở, 300 bút, 500 túi kẹo với tổng số tiền 80 triệu đồng.