Trong đó, ứng dụng công nghệ mới, quản lý vận hành có hiệu quả mạng lưới cấp nước hiện có, và tiến tới từng bước xã hội hóa (XHH) cung cấp nước sạch là những hướng đi được ưu tiên.
Công nghệ đa lợi ích
Nhiều năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị An (thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ) phải sử dụng nguồn nước từ giếng chung của thôn. Dù đã đầu tư gần 3 triệu đồng để lọc nguồn nước từ giếng chung nhưng chất lượng nước sau lọc không có gì là đảm bảo. Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, khi trạm cấp nước thôn Thái Hòa được TP hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ lọc Katalox Light (công nghệ của CHLB Đức), người dân đã có thể yên tâm với chất lượng nước. Ông Nguyễn Văn Xuân - Quản lý trạm cấp nước thôn Thái Hòa cho biết, hơn một năm qua, chất lượng nước được người dân phản hồi rất tích cực. Nước lọc được Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội lấy mẫu, xét nghiệm hàng tháng. Các chỉ tiêu theo định lượng so sánh sau nhiều lần kiểm tra đều nằm trong tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Hệ lọc Katalox Light được đưa vào thí điểm cấp nước sạch cho người dân thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Trọng Tùng |
Không chỉ người dân thôn Thái Hòa, mà 1.305 hộ dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ và một phần xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) hiện cũng đang được tiếp cận với nguồn nước từ công nghệ Katalox Light nêu trên. Ông Nguyễn Ngọc Thạch (thôn 2, xã Hồng Kỳ) cho biết, trước tháng 6/2016, người dân địa phương vẫn sử dụng chủ yếu nguồn nước giếng khơi, giếng khoan qua lọc. Tuy nhiên, việc thường xuyên phải thay bộ lọc khiến chi phí sử dụng nước sạch rất cao, chưa kể tiền đầu tư thiết bị. Cũng giống như nguồn nước cấp cho các hộ dân tại thôn Thái Hòa, nguồn nước cấp tới 3 xã thuộc huyện Sóc Sơn được lấy mẫu kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng tháng. Thậm chí, chỉ số đo được từ các mẫu phân tích cho thấy: Nguồn nước hoàn toàn có thể “uống được ngay tại vòi”!
Việc áp dụng công nghệ mới không chỉ mang tới nguồn nước sạch, đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế cho người dân những vùng thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước, mà chi phí cho việc lắp đặt hệ thống lọc cũng tiết kiệm đáng kể. Ông Tạ Kỳ Hưng - Phó Giám đốc Công ty Nước sạch số 2 làm bài toán so sánh: Vào năm 2003, đơn vị triển khai xây dựng 3 trạm cấp nước sạch cho địa bàn 3 xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng. 3 trạm cấp nước đã đáp ứng được nhu cầu nước sạch cho 780 hộ dân. Một năm trước, đơn vị xây dựng 6 trạm cấp nước với hệ lọc Katalox Light cũng cho 3 xã nêu trên. Tổng mức đầu tư của dự án là gần 79 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng người được thụ hưởng lên tới 2.008 hộ và vẫn có khả năng đáp ứng thêm. So sánh trên cho thấy, việc đầu tư hệ thống lọc nước theo công nghệ mới có thể giúp tiết giảm đáng kể chi phí đầu tư.
Nâng cao hiệu quả công trình
Việc ứng dụng công nghệ mới mở ra hướng đi tích cực trong việc tăng số cư dân nông thôn được tiếp cận nước sạch. Tuy nhiên, việc giải quyết yếu kém trong công tác quản lý cấp nước cũng là bài toán cần được đưa ra mổ xẻ. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch hiện mới đạt khoảng 40%. Một trong những nguyên nhân khiến số người dân nông thôn được dùng nước sạch còn hạn chế là do hệ thống các trạm cấp nước hiện nay chưa phát huy hết hiệu năng. Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP hiện có 113 trạm cấp nước tập trung. Tuy nhiên, chỉ 84 trạm trong số này đang hoạt động ổn định (trong đó có 4 công trình đã chuyển thành trạm bơm tăng áp). 26 công trình được đánh giá là vận hành kém hiệu quả và đang phải tạm ngừng hoạt động. 3 trạm cấp nước còn lại đang được UBND TP cho phép thanh lý, thu hồi tài sản, hoặc dừng đầu tư.
Không chỉ có gần 1/4 số trạm cấp nước ngừng hoạt động, các trạm hiện đang được vận hành cũng có hiệu suất cấp nước đạt thấp và thất thoát nước ở mức cao. Trung bình các trạm cấp nước chỉ đạt khoảng 80% công suất thiết kế. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát nguồn nước bình quân tại các công trình cũng lên tới gần 25%. Nguyên nhân lý giải cho điều này là do phần lớn các công trình được xây dựng từ lâu; hệ thống dẫn nước sau nhiều năm hoạt động bị hoen rỉ, bục vỡ… Cũng bởi hiệu suất vận hành thấp nên việc quản lý hiệu quả các công trình cấp nước, tránh gây thất thoát là bài toán được UBND TP hết sức quan tâm. Theo đó, UBND TP đã thí điểm giao cho các DN quản lý vận hành một số trạm cấp nước. Thực tế cho thấy, dù còn những vấn đề cần tháo gỡ, nhưng sự tham gia có trách nhiệm của các DN giúp hiệu quả cấp nước tăng đáng kể. Trên cơ sở đó, vừa qua, TP đã chỉ đạo Sở NN&PTNT Hà Nội khẩn trương hoàn thiện Đề án giao công trình cấp nước sạch nông thôn cho các DN và HTX tiếp nhận quản lý, đầu tư, khai thác. Đề án khi đi vào thực tiễn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả vận hành cho các công trình cấp nước. Qua đó, tăng dần số lượng cư dân nông thôn được tiếp cận với nước sạch.
Ưu tiên xã hội hóa đầu tư
Cùng với quản lý có hiệu quả mạng lưới cấp nước, áp dụng công nghệ mới vào cung cấp nước sạch, việc XHH đầu tư, hạn chế đầu tư từ nguồn ngân sách, tiến tới cổ phần hóa các công ty cấp nước do Hà Nội quản lý cũng được TP đặc biệt chú trọng và xem là lời giải cho bài toán cấp nước sạch. Cụ thể hóa cách làm trên, vừa qua, TP đã cho phép 21 nhà thầu tham gia đầu tư gần 10.000 tỷ đồng vào 37 dự án cấp nước cho 220 xã và thị trấn trên địa bàn 16 huyện. Quy mô và tổng công suất dự kiến 360.000m3/ngày đêm, có thể cung cấp nguồn nước cho khoảng 2,2 triệu dân. Nhằm khuyến khích các DN, nhà đầu tư cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn, TP đã có kế hoạch dành từ 800 - 1.000 tỷ đồng cho vay lãi suất thấp, hoặc không lãi suất để hỗ trợ các DN đầu tư ở những địa bàn xa trung tâm và đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt như Mỹ Đức, Mê Linh, Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên… Đối với cấp nước sạch làng nghề, Hà Nội cũng bước đầu thí điểm cho phép Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam thực hiện dự án đầu tư cấp nước sạch cho 10 xã làng nghề, thị trấn bị ô nhiễm nguồn nước thuộc huyện Thạch Thất. XHH đầu tư với sự hỗ trợ của TP cũng sẽ là cách làm đối với các dự án cấp nước sạch nông thôn thuộc Kế hoạch số 162 về triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Đây là nhóm dự án có tổng mức đầu tư 1.823 tỷ đồng, dự kiến triển khai tại các huyện: Mê Linh, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên chưa thể thực hiện.
Liên quan tới giải pháp tổng thể nhằm đưa nước sạch đến với các hộ dân nông thôn, vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có chỉ đạo các sở, ban ngành, DN kinh doanh trong lĩnh vực nước sạch tiếp tục xây dựng hệ thống cấp nước sử dụng mô hình cấp nước cục bộ theo thôn, xã; tập trung đánh giá hiệu quả, tiến tới nhân rộng công nghệ xử lý nước tiên tiến Katalox Light như đang triển khai tại các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ và Phú Xuyên. Không chỉ quan tâm tới vấn đề cấp nước, chất lượng nước cũng được lãnh đạo TP hết sức chú trọng. Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu: Các nhà máy nước phải tiến tới chuyển sang sử dụng nguồn nước mặt. Cùng với đó, các DN cần tập trung rà soát hệ thống mạng lưới cấp nước, không để thất thoát nguồn nước. Thay đổi, điều chỉnh công nghệ để có thể sục rửa định kỳ, bảo đảm chất lượng nguồn nước...
Tôi hoàn toàn đồng tình và cho rằng chủ trương XHH cung cấp nước sạch của lãnh đạo TP là đúng hướng. Nhưng để làm được điều này, bên cạnh tạo cơ chế thông thoáng, hỗ trợ thiết thực cho các DN, việc làm tốt công tác tuyên truyền, tìm kiếm sự ủng hộ của người dân sẽ là yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định đối với mục tiêu phổ cập nước sạch… Ông Lương Văn Anh Giám đốc Trung tâm Quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn (Bộ NN&PTNT) Với những giải pháp cụ thể cả về mặt công nghệ và chính sách, mục tiêu đến năm 2020, 100% cư dân khu vực nông thôn trên địa bàn Hà Nội được tiếp cận nước sạch sẽ không còn là xa vời. |