Kinhtedothi - Mục tiêu ban đầu của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là góp phần nắn chỉnh thị trường bất động sản (BĐS), trong đó 70% dành cho người có thu nhập thấp mua nhà, 30% hỗ trợ dự án chuyển sang nhà ở giá thấp.
Tuy nhiên mục đích này đang đi “chệch đường ray” khi trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều mánh khóe tinh vi “đẽo chân cho vừa giày” của các DN BĐS, bất chấp thông tin các cơ quan chức năng đang thanh, kiểm tra hành vi lợi dụng gói vay 30.000 tỷ đồng.
Trao tay tiền chênh
Mới đây, trước thực trạng nhiều chủ đầu tư “chẻ nhỏ” hợp đồng để khách hàng đủ điều kiện vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu các tỉnh, TP và Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra, xử lý kịp thời. Trong đó yêu cầu các đơn vị liên quan phải kiên quyết xử lý sai phạm không để xảy ra tình trạng trục lợi gói 30.000 tỷ đồng làm lợi cho cá nhân DN. Tuy nhiên, qua tìm hiểu trên thị trường BĐS hiện nay, chiêu “lách luật” cũ chưa được giải quyết đã xuất hiện thêm những “mánh khóe” mới tinh vi hơn.
Trong vai khách hàng đi mua nhà tại dự án Gemek Tower (Lê Trọng Tấn – Hà Đông) của chủ đầu tư Công ty CP Xuất khẩu tổng hợp Hà Nội, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị được nhân viên môi giới của sàn giao dịch BĐS Atlantic quảng cáo có thể vay từ gói 30.000 tỷ đồng với những căn hộ có tổng giá trị trên 1,05 tỷ đồng. Cụ thể, khi chúng tôi lựa chọn căn 2710 tầng 27 tòa B của dự án với giá trên 1,2 tỷ đồng, nhân viên tên D. của sàn tư vấn: “Nếu chị muốn vay từ gói 30.000 tỷ đồng thì chủ đầu tư sẽ đánh dấu trên hệ thống theo dõi và làm hợp đồng riêng có giá trị dưới 1,05 tỷ đồng nhằm hợp thức hóa gói vay. Hợp đồng này sẽ được chủ đầu tư giới thiệu cho Ngân hàng TP Bank để có thể vay vốn từ gói tín dụng. Còn số tiền vượt ngoài khoảng 200 triệu, chị có thể thanh toán trao tay trực tiếp cho chủ đầu tư không cần phiếu thu chi, chứng từ”.
Trước những lo ngại việc người mua bỏ ra khoản tiền trả ngoài quá lớn nhưng không có giấy tờ, thay vì đưa ra những luận cứ để khách an tâm mua nhà, cò D. chơi luôn bài ngửa: “Nếu phát sinh bất kỳ phiếu thu tiền nào với khách hàng đồng nghĩa với việc phải theo dõi hệ thống kế toán bên chủ đầu tư để hạch toán. Như vậy khi cơ quan chức năng vào cuộc, có thể hợp đồng mua bán của khách hàng sẽ bị vô hiệu, từ đó dẫn đến khó khăn cho chính bản thân khách hàng, chủ đầu tư và ngân hàng trực tiếp đứng ra giải ngân”. Để trấn an, D. khẳng định: “Đã thực hiện thành công vay gói 30.000 tỷ đồng cho các căn hộ có giá 1,5 tỷ đồng với khoản tiền trao tay lên đến hàng trăm triệu”.
Thực trạng trên cũng đang diễn ra có tính hệ thống ở nhiều dự án. Qua thông tin rao bán căn hộ trên mạng, phóng viên tiếp tục tìm tới tòa chung cư Xphomes, nằm trong khuôn viên Khu đô thị Tân Tây Đô (quận Bắc Từ Liêm), do Công ty TNHH Xuân Phương làm chủ đầu tư. Tại đây, nhân viên tên N. nhận là người thuộc văn phòng giao dịch của chủ đầu tư cho hay, tòa nhà CT1A đang mở bán với một lượng lớn căn hộ giá hấp dẫn. Các căn có diện tích 79 - 110m2 đều có thể vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên khi hỏi giá bán, N cho biết giao động 13,5 - 14,8 triệu đồng/m2, tương đương trên 1,2 tỷ đồng đến trên 1,5 tỷ đồng mỗi căn, tức cao hơn mức quy định vay gói ưu đãi. Theo N., khi khách hàng đồng ý mua căn hộ, sẽ phải trả cho chủ đầu tư đúng giá trên bảng niêm yết nhưng hợp đồng linh hoạt hạ giá bán (trong khoảng 11,5 triệu đồng/m2) phù hợp với diện tích từng căn để hợp thức hóa gói vay. Riêng khoản tiền chênh ngoài, khách thanh toán riêng cho chủ đầu tư không ghi vào hợp đồng và cũng không có hóa đơn chứng từ.
Người mua chấp nhận sai để “lách luật”
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Khi thực hiện mánh khóe này cả hai bên (chủ đầu tư và khách hàng) đều có lợi, phần thiệt thuộc về Nhà nước khi phải đi hỗ trợ cho các căn hộ có giá cao. Cá nhân tôi cho rằng, trong tất cả những chính sách mới đưa ra không thể tránh hoàn toàn các nhóm trục lợi. Tuy nhiên, Nhà nước cần phải có động thái siết chặt hơn và có quy định cụ thể, rõ ràng. Không thể để chuyện bán 1,2 - 1,5 tỷ đồng nhưng làm sổ sách, giấy tờ chỉ 1 tỷ đồng rồi để số tiền 200 - 500 triệu đồng trôi nổi trong "sổ đen". Đó không chỉ là hành vi lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng nữa mà đã trở thành hành vi gian lận thương mại. Đứng dưới góc độ sổ sách, chứng từ có vẻ như các chủ đầu tư sẽ lỗ khi giá bán thấp so với mặt bằng chung thị trường nhưng thật ra đang hưởng lợi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, lại không phải chịu thuế Nhà nước từ khoản tiền thu chênh ngoài”.
Theo Luật sư Vũ Huyền Ngọc - Công ty Luật Hợp Danh Anh Vũ, các chủ đầu tư BĐS lợi dụng vào nhu cầu của khách hàng để triển khai việc thu các khoản tiền chênh mà không có phiếu thu chứng từ nhằm hợp thức hóa gói vay 30.000 tỷ đồng, nhưng việc kết luận chủ đầu tư có vi phạm hay không là rất khó. Bởi vì không có một bằng chứng nào chứng minh được quá trình nhận tiền ngoài giữa chủ đầu tư và khách hàng. Đặc biệt, về phía khách hàng, với mục đích vay được vốn ưu đãi, họ cũng ý thức, đồng tình và chấp thuận rủi ro, nên khó có thể kết luận được chủ đầu tư, đơn vị phân phối lừa đảo, hay có hành vi gian dối. Để đảm bảo an toàn, người mua nhà nên lựa chọn căn hộ đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hoặc sử dụng gói vay thương mại lãi suất thấp ở những dự án thương mại giá rẻ.
Khách hàng tham quan tìm hiểu thông tin mở bán của một dự án tại Hội chợ bất động sản được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
|
Chưa đầy một năm nữa, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ (gói 30.000 tỷ đồng) sẽ kết thúc. Nhưng sau 2 năm triển khai, tiến độ giải ngân gói ưu đãi này mới được khoảng 1/4 lại hỗ trợ chưa đúng đối tượng mua nhà, dòng tiền chảy về DN thay vì ưu tiên cho người dân nghèo bởi số người dân được tiếp cận nguồn vốn này chỉ được đếm trên đầu ngón tay. |