Ngành du lịch ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các nước đang phát triển khi đóng góp lớn vào tỷ trọng GDP và giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động. Đặc biệt, sự tăng trưởng chóng mặt của ngành kinh doanh du lịch sẽ giúp tăng doanh thu bán vé máy bay, nơi lưu trú và các dịch vụ du lịch từ 1,07 ngàn tỷ USD trong năm 2012 lên 1,16 ngàn tỷ USD trong năm 2013. Theo Hội đồng Sân bay quốc tế, tổ chức đại diện 1.700 sân bay ở 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhu cầu du lịch đã làm lưu lượng vận tải bằng đường hàng không trong năm ngoái tăng 7,5% ở châu Á, 7,3% ở Mỹ Latinh, 6,4% ở châu Phi và 13% ở Trung Đông. Đặc biệt, riêng các sân bay tại những thị trường mới nổi đã đón hơn 40 triệu hành khách/năm và đạt mức tăng trưởng 2 con số như Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Dubai (UAE), Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái Lan) và Singapore.
Cầu nối từ máy bay vào khu vực nhà ga làm bằng cẩm thạch trắng tại sân bay quốc tế Dubai
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng và thể hiện sự mến khách, tại sân bay quốc tế Dubai đã khánh thành một chiếc cầu nối từ máy bay vào khu vực nhà ga làm bằng cẩm thạch trắng. Trong khi đó, Bắc Kinh và Thượng Hải - hai trung tâm du lịch hàng đầu của Trung Quốc cũng xây dựng những nhà ga quốc tế hào nhoáng để thể hiện sự thân thiện với du khách. Với những nỗ lực này, Trung Quốc tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi năm 15,5% và dự kiến đạt mức 226 tỷ USD trong năm nay. Với đà tăng trưởng này, Trung Quốc sẽ vượt qua Pháp, Anh và Italia trong lĩnh vực công nghiệp không khói chỉ trong vòng 2 năm tới. Để phục vụ nhu cầu đi lại của du khách, Chính phủ Trung Quốc đã phác thảo kế hoạch xây dựng thêm 100 sân bay khác trên toàn quốc trong vài năm tới.
Trong khi đó, Istanbul - Thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phấn đấu trở thành trạm trung chuyển kết nối rộn ràng các chuyến bay từ châu Á, cạnh tranh tốt hơn với châu Âu hay Mỹ. Brazil cũng đang đổ hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng để chuẩn bị đăng cai World Cup 2014 và Olympic 2016 với mục tiêu sẽ đạt được 34,5 tỷ USD trong năm nay. Rõ ràng, trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn do lực cầu giảm, việc đầu tư vào ngành công nghiệp không khói là một hướng đi khôn ngoan nhằm tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững của các nền kinh tế mới nổi.