Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạnh tay ngăn chặn nạn buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cận Tết Nguyên đán là thời điểm tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại hoạt động phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, cần kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm, góp phần ổn định thị trường hàng hóa, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng đón Tết an toàn.

Doanh nghiệp chân chính thiệt thòi

Trong những năm trở lại đây, Việt Nam trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho các loại thương hiệu, sản phẩm và hàng hoá trong và ngoài nước. Tuy nhiên, điều này cũng khiến Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra hết sức phức tạp cả về quy mô lẫn tính chất, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất trong nước, gây thất thu ngân sách, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và gây hoang mang, mất lòng tin đối với người tiêu dùng.

Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Hoàn cho biết, từ đầu năm đến nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đã bắt và xử lý 14.700 vụ vi phạm, tổng trị giá là hơn 5.100 tỷ đồng; xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 334 tỷ đồng; khởi tố 36 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố là 112 vụ.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện cá nhân vận chuyển đường lậu qua biên giới. Ảnh: Minh Tân
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện cá nhân vận chuyển đường lậu qua biên giới. Ảnh: Minh Tân

Về thủ đoạn buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại, ông Nguyễn Văn Hoàn chỉ rõ, doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi và thông thoáng của Chính phủ, nhất là trong giai đoạn sau dịch Covid-19 đi sâu và len lỏi vào nội địa với nhiều thủ đoạn mới. Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, nhập hàng hoá giấu tên qua đường chuyển phát nhanh, đường hàng không; nhập nguyên liệu kinh doanh sản xuất và chuyển tiêu thụ nội địa, gây thất thu thuế nhà nước. Đối mặt với tình trạng này, các DN làm ăn chân chính gặp nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến phá sản.

Là nạn nhân của vấn nạn hàng giả, hàng nhái nhiều năm qua, khiến hoạt động của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nhiều phen “điêu đứng”. Ông Dương Đức Duy - Trưởng Ban quản lý dự án, Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, sản phẩm đèn LED không rõ nguồn gốc giả, nhái, sản phẩm của Rạng Đông vẫn đang trôi nổi trên thị trường theo 2 hình thức offline và online. Các đối tượng giả nhãn hiệu và tên thương mại, chào bán vào hệ thống phân phối với mức giá hấp dẫn và chiết khấu cao. Điều này làm sụt giảm doanh thu cho DN và người tiêu dùng bị thiệt. Cá biệt hơn, có tổ chức còn tự mở đại lý, lập nhà máy sản xuất sản phẩm không thuộc hệ thống của DN.

Cũng là nạn nhân của gian lận thương mại, ông Hoàng Hữu Lộc - Phó Phòng bán hàng Công ty CP Pin ắc quy Miền Nam cho hay, các DN khi nhập khẩu pin, ắc quy từ nước ngoài về thường khai báo giá nhập khẩu thấp hơn so với hóa đơn VAT sản phẩm bán ra trên thị trường. Giá bán sản phẩm nhập khẩu thường chỉ thấp bằng 60% so với giá bán sản phẩm sản xuất trong nước. Trong khi trên thị trường chỉ cần cạnh tranh giá từ 1 - 2% là đã vô cùng khốc liệt đối với các DN, đó là chưa kể việc làm này đang gây thất thu thuế rất lớn cho nhà nước.

Tăng chế tài xử phạt

Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Văn Hoàn nhận định, trong quý IV năm 2022, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ càng diễn biến phức tạp. Cùng với đó, các đối tượng buôn lậu, vi phạm pháp luật đẩy mạnh hoạt động, với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. “Cần triệt để xử lý các DN lợi dụng loại hình tạm nhập tái xuất để thay nhãn mác, giả nhãn hiệu xuất xứ xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba gây mất thương hiệu, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế” – ông Hoàn nhấn mạnh.

Chia sẻ về tình hình thực tế hoạt động, Phó Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan Lạng Sơn Bùi Công Thành cho biết, dịp cuối năm, nhất là thời điểm cận Tết, tình trạng buôn lậu diễn biến rất phức tạp. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 10/2022 đến nay, lực lượng hải quan tỉnh đã phát hiện ngăn chặn 189 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tăng 175% so với thời điểm tháng 8 và tháng 9.

Một số DN hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, lợi dụng chức năng quyền hạn của mình vẫn nhận vận chuyển số lượng lớn hàng giả, hàng nhái nhưng lại tỏ ra bất hợp tác với lực lượng chức năng khiến công tác kiểm tra xử lý gặp không ít khó khăn. Một số sản phẩm vi phạm được các DN bưu chính vận chuyển như điện thoại rất khó phát hiện là sản phẩm giả hay thật, cơ quan chức năng phải tiến hành giám định. Chi phí cho quá trình này rất cao và phải qua ít nhất 2 cơ quan giám định mới phát hiện được hàng giả. Nhưng khi tiến hành xử phạt, DN nại quyền bưu chính không chấp nhận vi phạm lại còn tổ chức khiếu kiện nên trở thành vướng mắc rất lớn.

Theo ông Thành, cần có quy định, chế tài chặt hơn cho vấn đề này nhằm đối phó linh hoạt hơn với vấn nạn buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại nhất là trong cao điểm dịp cuối năm.

Ở góc độ DN, ông Dương Đức Duy đề xuất cần bổ sung hình phạt nặng để răn đe với các đối tượng vi phạm, hiện nay cơ chế xử phạt hành chính theo giá trị sản phẩm còn nhẹ, chưa đủ răn đe. Hơn nữa, vị này cũng kiến nghị cần hình thành cơ chế quản lý giám sát đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp một cách minh bạch, an toàn, có chế tài rõ ràng đối với hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.