Lại nóng chuyện ngân hàng 0 đồng
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định thực hiện biện pháp mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP): Xây dựng (CB), Đại Dương (Ocean Bank), Dầu khí toàn cầu (GP Bank) với giá 0 đồng do hoạt động yếu kém. Đồng thời chuyển đổi thành 3 NH thương mại TNHH MTV do NHNN làm chủ sở hữu. NHNN từng khẳng định, mua lại NHTMCP yếu kém với giá 0 đồng “không sử dụng tiền của ngân sách Nhà nước, không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước”. Thế nhưng, chuyện mua ngân hàng 0 đồng có ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước hay không cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Bởi trên thực tế, tổng giá trị thực của các ngân hàng này khi được mua lại là âm hàng chục ngàn tỷ đồng. Nghĩa là mặc dù Nhà nước không phải bỏ tiền ra mua nhưng phải gánh nghĩa vụ trả nợ cho người gửi tiền, trong khi tiền đã cho vay thì gần như không thu hồi được. Ngoài ra, “với vai trò là người cho vay cuối cùng trong nền kinh tế, NHNN vẫn phải tốn chi phí cho những ngân hàng 0 đồng này” - Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Đỗ Thiên Anh Tuấn đánh giá.
Hoạt động nghiệp vụ tại chi nhánh OceanBank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt |
Việc thực hiện chuyển giao bắt buộc chỉ được áp dụng trên cơ sở đề xuất tự nguyện của bên nhận chuyển giao. Trường hợp có hơn một nhà đầu tư (NĐT) đề nghị nhận chuyển giao, từng NĐT phải xây dựng phương án và NHNN sẽ xem xét trên cơ sở đánh giá tính khả thi, hiệu quả của từng phương án để lựa chọn NĐT tốt nhất. Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |