Nhiều loại trái cây không rõ nguồn gốc đã được “mặc áo” Mỹ, Úc, Global Gap…
Tại khu chợ tự phát nằm cạnh Bến xe Chợ Lớn (quận 6, TP Hồ Chí Minh) có rất nhiều xe đẩy bán trái cây ngoại nhập thu hút khá đông người mua. Người bán hàng luôn miệng quảng cáo: “Trái cây nhập khẩu chính gốc, mua ngay kẻo hết”. Quan sát, có thể thấy tất cả táo, lựu, cam… đều dán tem nhãn, có mã vạch, giá từ 65.000 – 95.000 đồng/kg (tùy loại). Bị nghi ngờ xuất xứ, người bán hàng khẳng định chắc nịch: “Đây là hàng của công ty nhập khẩu chỉ cung cấp cho các siêu thị, do lần này nhập với số lượng lớn nên mới dư đưa ra ngoài thị trường. Hàng này chất lượng như trong siêu thị nhưng giá rẻ hơn vì không tốn máy làm mát, chi phí quầy kệ”.
Khi chúng tôi thắc mắc hàng có mã vạch nhưng không số hiệu, người bán bảo "không biết", gắt lại: “Mua thì mua, không thì thôi. Hỏi nhiều vậy làm sao tui biết, người ta giao thế nào bán thế ấy, hàng có kiểm định hẳn hoi chứ có phải hàng lậu đâu mà đòi tra nguồn gốc”. Nói là hàng lâu lâu mới có một lần, nhưng ngày nào đi ngang đây cũng thấy đầy ắp trái cây gắn mác ngoại.
Ở khu chợ công nhân trên đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), các gian hàng trái cây hai bên chợ cũng chất đầy các loại trái cây ngoại có tem nhãn HACCP, Global Gap…, tiểu thương tên Thanh hỏi: “Tìm tem nhãn làm gì, muốn loại nào, nước nào thì chợ đầu mối gắn cho loại đó. Mua trái thì tin người bán, chứ tin vào tem nhãn có mà chết. Mỗi lần mua trái cây, tui được cho cả xấp tem của Úc, Mỹ, Hàn… tha hồ dán. Các loại trái cây đều cùng một tem cả thôi”.
Tại tiệm photo gần Bến xe Chợ Lớn, nhân viên ở đây cho biết thường xuyên được khách hàng yêu cầu in tem nhãn trái cây. Sau khi đưa một vài mẫu có sẵn, nhân viên cho hay: “Nếu không thích những mẫu này thì vào siêu thị hoặc các cửa hàng trái cây, lột lấy tem rồi đem tới đây, bảo đảm in giống như thật. In từ 1.000 – 5.0000 tem, giá 400.000 đồng, hai ngày là có”. Theo tìm hiểu, hầu hết các điểm in thiệp cưới, in decal đều nhận in tem nhãn trái cây, tem chống giả...
Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa – Trưởng Phòng quản lý ATTP, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hồ Chí Minh cho biết: “Theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, những hàng hóa là thực phẩm tươi như thủy sản, rau quả khi đóng trong bao bì phải ghi nhãn mác hàng hóa. Tuy nhiên, Nghị định lại không bắt buộc phải ghi nhãn đối với hàng hóa là thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng (Điều 5, khoản 2 - PV). Lợi dụng điểm này, người kinh doanh tự gắn lên trái cây với các chữ Gala, Two-cape… nhưng đó chỉ để trang trí cho đẹp mắt chứ không phải là tem nhãn”.
Tem nhãn chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là công bố những thông tin về sản phẩm đến người dùng, không có chức năng chống giả về mặt pháp lý. Hiện vẫn chưa có quy định nào quản lý cụ thể về việc in ấn tem nhãn, in mã vạch dán lên sản phẩm, có thể là DN tự in hoặc đặt công ty in ấn theo yêu cầu. Vì vậy, căn cứ vào mã vạch hay tem nhãn thôi thì chưa đủ để giúp người tiêu dùng thật sự phân biệt 100% nguồn gốc, xuất xứ chính xác của sản phẩm. Ông Nguyễn Viết Hồng Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Khoa học công nghệ Vina CHG |