Mất an toàn lao động tại các làng nghề

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng nghề truyền thống có ý nghĩa quan trọng đối với lao động nông thôn. Tuy nhiên tại khu vực này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ), trong khi đó cả chủ cơ sở và người lao động đều thờ ơ với việc này.

 Lao động làm việc tại làng nghề mộc Phúc Trạch, Thường Tín.
Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có gần 300 làng nghề truyền thống được công nhận. Việc phát triển làng nghề đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu lao động nông thôn. Tuy nhiên bên cạnh các lợi ích mang lại, các làng nghề hiện nay cũng phải đối diện với rất nhiều nguy cơ như mất ATVSLĐ, ô nhiễm môi trường và cháy nổ. Trong khi lực lượng lao động của làng nghề khá đa dạng, không phân biệt tuổi tác, trình độ,… song đa số đều thiếu những kiến thức cơ bản về ATLĐ. Ngoài ra, môi trường lao động thủ công, thiếu chuyên nghiệp, chủ lao động chỉ đặt mục tiêu tăng lợi nhuận chứ chưa chú ý đầu tư cải thiện môi trường làm việc… là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc.
Đơn cử tại làng nghề sản xuất kim khí Thanh Thùy, Thanh Oai, hiện có trên 2.000 cơ sở kinh doanh, trong đó có trên 300 cơ sở có quy mô lớn, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và các vùng lân cận. Tuy nhiên, hàng ngày phải làm việc trong môi trường bụi bặm, tiếng ồn inh tai nhức óc, cộng với các máy móc đột, dập liên hồi, chỉ cần lơ là, sơ sẩy một chút là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo chia sẻ của những lao động làm việc tại đây, chuyện bị máy cắt vài đốt ngón tay, dị vật bay vào mắt, thậm chí vỡ quai hàm… xảy ra là chuyện thường ngày. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Tuế thừa nhận, mặt trái của làng nghề hiện nay là tình trạng mất ATLĐ và ô nhiễm môi trường, trung bình mỗi năm làng nghề xảy ra trên dưới 100 vụ tai nạn nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức về ATLĐ và chủ quan của người lao động cũng là một trong những nguyên nhân của tai nạn xảy ra. Trong môi trường độc hại, nhiều lao động vẫn chủ quan không sử dụng đồ bảo hộ, hoặc nếu có cũng vẫn sơ sài. Thậm chí, nhiều người thợ khi được trang bị bảo hộ lao động còn không dùng đến.