Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mất cân bằng trong bữa ăn: Đe dọa thể lực, trí tuệ người Việt

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Chế độ ăn uống mất cân bằng, thiếu vi chất khiến tỷ lệ trẻ thiếu can xi, thấp còi hoặc thừa cân, béo phì đang là vấn đề đáng lo ngại hiện nay.

Điều này ảnh hưởng đến tương lai, giống nòi người Việt. Đây là những thông điệp tại buổi họp báo hưởng ứng Tuần lễ “Dinh dưỡng và phát triển” do Viện Dinh dưỡng tổ chức chiều 11/10.
Chiều cao tăng “ì ạch”
Một chỉ số khiến nhiều người giật mình, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam là 153cm, thấp hơn 10,7cm của WHO. Trong vòng 15 năm qua, chiều cao của người Việt chỉ tăng được 1,5cm. Theo bản đồ chiều cao người dân các nước trên thế giới, Việt Nam nằm trong số các nước có chiều cao trung bình thấp nhất. Đây là một thực trạng đáng lo ngại bởi nó ảnh hưởng đến thể lực, trí tuệ, hình ảnh của cả một quốc gia.

Chế biến bữa ăn đa dạng để đảm bảo dinh dưỡng. Ảnh: Nhật Nguyên

Đối với trẻ em Việt Nam, bà Lê Bạch Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đưa ra một con số đáng báo động. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi lên đến 24,6%, thể nhẹ cân là 14,1%. Nếu như ở nông thôn, các vùng miền núi kinh tế khó khăn, tỷ lệ trẻ thấp còi cao thì ở thành thị, tình trạng trẻ thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng. Theo một thống kê mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 7 năm, tỷ lệ thừa cân béo phì của học sinh tiểu học đã tăng gấp 3 - 4 lần. Tại Hà Nội, nghiên cứu mới đây trên hơn 3.000 học sinh tiểu học nội thành cho thấy, gánh nặng kép về vấn đề dinh dưỡng đã nghiêng hẳn về phía thừa dinh dưỡng với 23,4% học sinh bị thừa cân và 17,3% học sinh bị béo phì, so với 2,4% học sinh bị thấp còi và 2% học sinh bị gầy còm.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất cũng còn rất phổ biến, trong đó, tỷ lệ thiếu vitamin A, thiếu máu, thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu iode, thiếu vitamin D và khẩu phần canxi thấp… ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ - giống nòi người Việt.
Nghèo đói và thiếu kiến thức
Bà Lê Bạch Mai cho rằng, nghèo đói và thiếu kiến thức là hai nguyên nhân của suy dinh dưỡng trẻ em Việt Nam. “Ở những gia đình khó khăn về kinh tế, trẻ thiếu cái ăn, cái mặc, còn ở những gia đình khá giả, bữa ăn của trẻ có thể thừa đạm, dinh dưỡng nhưng lại mất cân đối vi chất” - bà Mai nhấn mạnh và cho rằng, trong khi trẻ cần được ăn đủ bốn nhóm thực phẩm thiết yếu cho sự phát triển bao gồm chất đạm, tinh bột, chất béo, nhóm giàu vitamin thì nhiều gia đình cho con ăn chưa đúng cách hoặc ăn thiếu đa dạng. Đáng lên án là tình trạng các bà mẹ luôn có tư tưởng nhồi con ăn bằng mọi cách. Hậu quả là một số trẻ quen dạ, ăn quá nhiều và thích các món tinh bột, chất béo (các món rán, thức ăn nhanh) đã khiến cân nặng của trẻ không thể kiểm soát. “Mỡ tự nhiên trong động vật, thực vật rất cần thiết cho cơ thể, nhưng bố mẹ lại chiều con, cho con ăn đồ chiên, rán quá nhiều, không tốt cho sức khỏe, sự phát triển của trẻ” - bà Mai nói.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phần lớn người Việt ăn theo sở thích mà không tính toán về thành phần dinh dưỡng có hợp lý hay không. Ngay cả những gia đình kinh tế khá giả cũng rơi vào tình trạng “giàu món ăn nhưng nghèo dinh dưỡng”. Rất nhiều gia đình ở thành thị, trẻ thiếu chất dinh dưỡng, còi xương không phải vì thiếu ăn mà vì các bà mẹ thiếu kiến thức về việc nuôi dưỡng con cái.
Vì vậy, bà Lê Bạch Mai khuyến cáo, muốn trẻ phát triển thể lực, trí tuệ thì vấn đề dinh dưỡng cần phải được quan tâm từ rất sớm, ngay từ khi trẻ còn trong bào thai, đừng chờ đến khi trẻ lớn, sẽ mất đi “cơ hội vàng” để trẻ phát triển toàn diện.
Hưởng ứng ngày Lương thực thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 - 23/10 trên toàn quốc với thông điệp: “Bữa ăn đa dạng đảm bảo đủ dinh dưỡng, hợp lý, an toàn cho gia đình trong tình hình biến đổi khí hậu”.