Cụ thể, theo văn bản số 6982/NHNN-TTGSNH, Thống đốc NHNN chấp thuận việc MB tăng vốn điều lệ từ 17.127.409.090.000 đồng lên 18.155.053.630.000 đồng theo Phương án đã được Đại hội đồng cổ đông của MB thông qua tại Nghị quyết số 08/NQ-MB-ĐHĐCĐ ngày 26/4/2017 và Hội đồng quản trị (HĐQT) của MB thông qua tại Nghị quyết số 11/NQ-MB-HĐQT-TT ngày 5/7/2017.
MB có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của NHNN sau khi tăng vốn.
Sau khi hoàn tất các thủ tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được NHNN chấp thuận như trên, MB có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép cho NHNN (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) gồm: Văn bản của Chủ tịch HĐQT MB báo cáo về kết quả thực hiện việc phát hành cổ phiếu và đề nghị sửa đổi Giấy phép đối với nội dung liên quan đến vốn điều lệ;
Báo cáo số lượng cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn, cổ đông nước ngoài, cổ đông là thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc MB và người có liên quan của cổ đông này; Các tài liệu chứng từ chứng minh MB đã hoàn tất việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Còn tại văn bản số 6993/NHNN-TTGSNH, Thống đốc NHNN chấp thuận việc VPBank tăng vốn điều lệ từ 14.059.086.350.000 đồng lên 15.706.230.150.000 đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước theo đề nghị của VPBank theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên của VPBank thông qua tại Nghị quyết số 01/2017/BB-ĐHĐCĐ-VPBank ngày 10/4/2017 và được Hội đồng quản trị của VPBank thông qua tại Nghị quyết ngày 8/6/2017, số 732/2017/NQ-ĐHĐCĐ ngày 7/7/2017 (tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2017).
VPBank có trách nhiệm thực hiện việc tăng vốn điều lệ theo quy định của pháp luật, bao gồm việc tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần của các cổ đông theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, quy định của pháp luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn của NHNN sau khi tăng vốn; Thực hiện các thủ tục pháp lý, chế độ thông tin, báo cáo liên quan đến việc tăng vốn điều lệ theo đúng quy định của pháp luật;
Sau khi hoàn tất thủ tục phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ đã được NHNN chấp thuận như trên, VPBank có trách nhiệm nộp hồ sơ đề nghị sửa đổi mức vốn điều lệ tại Giấy phép hoạt động cho NHNN (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).
Các văn bản này có hiệu lực trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký. Trường hợp việc tăng vốn điều lệ chưa hoàn tất trong thời hạn cho phép hoặc nếu Đại hội đồng cổ đông của hai ngân hàng này thông qua việc thay đổi phương án tăng vốn điều lệ đã được NHNN chấp thuận, văn bản này hết hiệu lực pháp lý.