"Mê hồn trận" thịt bẩn nhập khẩu, người tiêu dùng hoang mang?

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định của Bộ NN&PTNT về ngừng nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm từ 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất gây mất ATTP kể từ hôm 23/3 cho thấy, phản ứng của Việt Nam với tình hình là khá chậm chạp...

Không những thế, đằng sau câu chuyện này phản ánh rõ nhiều bất cập liên quan đến công tác kiểm soát thực phẩm nhập khẩu hiện nay.

 Ảnh minh họa

Ngay khi vụ bê bối về “thịt bẩn” Brazil bung ra, một loạt các nước như Hàn Quốc, EU, Chi Lê… đã nhanh chóng siết chặt rà soát, hạn chế hoặc có lệnh tạm dừng nhập khẩu thịt từ một số nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil. Tuy nhiên, phải mất gần một tuần sau, lệnh cấm nhập khẩu từ phía Bộ NN&PTNT (Việt Nam) mới được ban hành trong sự hồi hộp, lo lắng của biết bao nhiêu người tiêu dùng. Đấy là chưa kể phản ứng của Cục Thú y - đơn vị được giao nhiệm vụ chính liên quan đến kiểm soát thịt nhập khẩu của Bộ NN&PTNT cũng rất chậm trễ.

Từ câu chuyện “thịt bẩn” Brazil, xâu chuỗi lại một loạt những vụ việc trước đó cho thấy, vấn đề quản lý thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu hiện đang tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Chắc hẳn người tiêu dùng còn nhớ câu chuyện thịt gà Mỹ, Hàn Quốc nhập khẩu về Việt Nam với “giá rẻ giật mình”, chỉ ở mức trên dưới 20.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ còn 7.000 – 8.000 đồng/kg! Trả lời về nghi vấn này, lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, giá đùi gà Mỹ nhập khẩu ngày càng rẻ chủ yếu do nước này và một số nước trên thế giới chỉ ăn ức gà, còn lại phần cổ, cánh, chân, đùi, lòng mề gà… thì ít ăn hơn nên giá rẻ. Tuy nhiên, giới phân tích lại cho rằng, rất có thể các DN nhập khẩu loại thịt gà sắp hết hạn sử dụng rồi tìm cách “qua mặt” cơ quan quản lý, tung ra thị trường.

Sự bất cập trong khâu quản lý thịt nhập khẩu còn thể hiện ở chỗ, hiện nay, thông tin về tình hình nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt còn khá mù mờ. Hầu như rất ít khi cơ quan chức năng thông tin rõ ràng, cụ thể về tình hình nhập khẩu thịt từ nước nào, chủng loại, giá cả ra sao. Mỗi khi có sự vụ xảy ra, thông tin số liệu nhập khẩu từ phía các cơ quan liên quan như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương hay hải quan cũng không đồng nhất, khiến cho người dân thực sự không biết tin vào đâu. Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước hầu như hiếm khi thông tin về việc phát hiện các lô hàng "thịt bẩn" bị yêu cầu tái xuất.

Hiện nay, việc kiểm soát thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu đã được quy định rõ ràng trong một số văn bản pháp luật. Đơn cử như Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 8/4/2010 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh ATTP hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu hay Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định đến đâu mới là câu chuyện đáng bàn khi mà thi thoảng cơ quan chức năng phát hiện lô hàng chân gà đông lạnh từ Trung Quốc bị bốc mùi nhưng đấy là khi đã đưa vào tiêu thụ trong nước. Nếu những bất cập này chưa được khắc phục, không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt thòi vì phải sử dụng thực phẩm kém chất lượng, mà ngành chăn nuôi trong nước cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ.