Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mê Linh chuyển đổi hiệu quả đất lúa

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2021 – 2025, huyện Mê Linh sẽ giảm dần diện tích canh tác lúa, chuyển đổi cơ cấu sang các loại cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao hơn.

Theo thống kê, toàn huyện Mê Linh hiện có khoảng 4.000ha đất canh tác lúa. Vụ Xuân là thời điểm trồng lúa nhiều nhất của địa phương. Tuy nhiên đến vụ Mùa, diện tích này thường giảm nhiều, nông dân bỏ đất canh tác gây lãng phí lớn. Thực tế so với các mô hình kinh tế khác hiện đang phát triển như nuôi trồng thủy sản VietGAP, trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn… thì giá trị từ trồng lúa chỉ bằng 1/10. Chính vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là giải pháp được huyện Mê Linh rất quan tâm chú trọng.
 Chăm sóc hoa tại làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng 
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, từ năm 2014 đến nay, địa phương đã phê duyệt được 132 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với tổng diện tích hơn 53ha. Hiện, 23 hồ sơ khác đang được các đơn vị chức năng xem xét, cấp phép chuyển đổi trong thời gian tới. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định, nhất là việc khai thác tối đa nguồn lực từ đất, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Một số mô hình đang mang lại giá trị cao như: Chăn nuôi tập trung xa khu dân cư 150 – 200 triệu đồng/năm; rau an toàn 350 – 400 triệu đồng/ha/năm; trồng cây ăn quả (ổi, bưởi) 350 – 400 triệu đồng/ha/năm…

Để khuyến khích chuyển đổi, UBND huyện Mê Linh đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện để đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất tập trung 13 xã trên địa bàn, huyện Mê Linh đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2021 – 2025. Định hướng chung của huyện là giảm diện tích đất lúa còn khoảng 1.500ha đến năm 2025. Để khai thác tối đa nguồn lực từ đất, UBND huyện Mê Linh mong muốn TP Hà Nội, các sở, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, DN, cá nhân tham gia đầu tư, hợp tác liên kết trong phát triển nông nghiệp.