Xử lý nghiêm vi phạm
Theo thống kê, diện tích canh tác rau màu hàng năm của huyện Mê Linh vào khoảng 800 - 1.000ha. Thời gian qua, công tác quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV được địa phương quản lý, giám sát chặt chẽ. Hàng năm, 131 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn đều được yêu cầu ký cam kết không vi phạm các quy định pháp luật.Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Mê Linh Bùi Mạnh Tiến cho biết, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện đều đặn với tần suất 1 lần/năm đối với các các cơ sở, bảo đảm đúng quy định nhưng không chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Cùng với quản chặt việc kinh doanh, các đơn vị cũng kiên quyết xử lý những cơ sở có vi phạm. Tính riêng năm 2020, Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Mê Linh đã tiến hành kiểm tra 72 cơ sở, phát hiện 4 đơn vị có vi phạm.
Trong số các cơ sở có vi phạm, ghi nhận 1 cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc BVTV; 1 cơ sở buôn bán thuốc BVTV đã hết hạn sử dụng; 2 cơ sở bán thuốc BVTV nằm ngoài danh mục cho phép. 4 cơ sở có vi phạm đã bị xử phạt hành chính tổng số tiền 13,5 triệu đồng. Các cơ quan chức năng huyện Mê Linh cũng thường xuyên kiểm tra đột xuất việc sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng. Theo đó, thời gian qua đã phát hiện 3 hộ sử dụng các loại thuốc BVTV nằm ngoài danh mục cho phép, tiến hành xử phạt 2 triệu đồng/trường hợp.Xóa bỏ tư duy “trồng rau hai luống”Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, để giảm thiểu tác hại của thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, đơn vị đã phối hợp cùng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, từng bước xóa bỏ tư duy sản xuất “rau hai luống”. Huyện cũng đặc biệt khuyến khích sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học thay thế thuốc hóa học. Lượng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học mà nông dân địa phương sử dụng tăng dần qua các năm, hiện chiếm khoảng 60% tổng lượng.Dù đã có nhiều cố gắng trong tổ chức quản lý, giám sát việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, tuy nhiên, công tác này trên địa bàn huyện Mê Linh vẫn còn những khó khăn nhất định. Cụ thể, số lượng lớn các loại thuốc BVTV với 4.000 tên thương phẩm và khoảng 2.000 tên hoạt chất khiến việc quản lý của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Một bất cập khác là cơ quan chức năng không thể thực hiện thanh tra, kiểm tra nếu thuốc BVTV để trong phạm vi nhà dân; thay vào đó chỉ có thể thực hiện công tác này khi phát hiện thuốc BVTV lưu trữ ở kho chứa, cửa hàng… Hoạt động kinh doanh thuốc BVTV cũng ngày một trở nên tinh vi hơn. Nhiều trường hợp bán hàng rong, nông dân vì những hạn chế nhất định trong nhận biết nên vẫn mua về sử dụng…Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, để bảo đảm an toàn chất lượng nông sản, địa phương xác định việc quản chặt kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Giải pháp trọng tâm đặt ra thời gian tới là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở và người nông dân trong việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, huyện Mê Linh cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh, cũng như việc sử dụng thuốc BVTV của người nông dân. Xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân có vi phạm để tạo sức răn đe.