Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mệnh lệnh kiếm tiền

Ban Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - V.League đã bước sang năm chuyên nghiệp thứ 17 nhưng đến giờ, việc sống được bằng hoạt động bóng đá vẫn là giấc mơ của các đội bóng.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy bản thân các đội bóng đang phải đối diện với áp lực phải gia tăng nguồn thu.

Đa dạng hóa nguồn thu

Mới đây, đội bóng HAGL của ông bầu nổi tiếng Đoàn Nguyên Đức đã công bố nhà tài trợ mới là một nhãn hiệu sữa. Số tiền đội bóng này thu về khi đồng hành với nhà tài trợ lên đến 25 tỷ đồng mỗi năm. Đổi lại, tên của nhà tài trợ sẽ xuất hiện trên áo của HAGL, đúng vào vị trí mà bấy lâu nay thuộc về DN của bầu Đức.

HAGL chấp nhận nhường lại đặc quyền cho đối tác để tạo ra dòng tiền cho đội bóng. Số tiền ấy quá ý nghĩa với HAGL trong bối cảnh bầu Đức và DN của ông đang phải chèo chống với những món nợ khổng lồ. Thậm chí, số tiền này đủ cho HAGL hoạt động trong một mùa giải.

HAGL và VPMilk ký kết biên bản tài trợ.

Không chỉ HAGL mà nhiều đội bóng cũng kiếm cho mình những nhà tài trợ chính. Bên cạnh khoản tiền từ địa phương, hoặc DN chủ quản thì các đội bóng cũng có khoản tiền đáng kể từ nhà tài trợ. Hà Nội FC ngoài khoản kinh phí từ Tập đoàn T&T thì mỗi năm cũng nhận được 20 tỷ đồng từ nhà tài trợ SCG, Kappa và một loạt nhà tài trợ khác. Than Quảng Ninh có nguồn tiền từ ngân sách tỉnh, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, SHB… FLC Thanh Hóa ngoài khoản tiền 30 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh còn có nguồn từ Tập đoàn FLC…

Có thể nói rằng, làng bóng đá đã ghi nhận sự đa dạng về nguồn thu của các đội bóng. Họ không chỉ dựa vào một nguồn thu từ ngân sách hay túi tiền của một ông bầu như trước đây. Điều này giúp các đội bóng tránh gặp rủi ro khi lãnh đạo địa phương chán bóng đá hoặc ông chủ không còn hào phóng về tài chính. Cũng vì điều này mà giai đoạn gần đây, dù không khí bóng đá không ồn ào như trước nhưng các đội bóng dần đi vào ổn định. Có ít đội bóng bị giải thể hoặc chuyển nhượng như trước.

Muốn tiêu tiền, phải kiếm tiền

Một thời gian dài, bóng đá Việt Nam chịu sức ì ghê gớm. Bóng đá bao cấp khiến các đội bóng không quen với khái niệm kiếm tiền. Nguồn thu từ tài trợ, khai thác giá trị thương mại gần như bằng không. Nguồn thu lớn nhất của các đội bóng khi ấy là bán vé thì cũng không được khai thác tối đa. Ngay cả khi các đội bóng chuyển từ mô hình bao cấp sang DN thì tư duy chuyên nghiệp thị trường vẫn chưa được xác lập. Những con người cũ điều hành nền bóng đá chỉ chuyển từ “bao cấp nhà nước sang bao cấp DN”. Họ chủ yếu là tiêu tiền chứ không có khái niệm kiếm tiền mặc dù đội bóng đã hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp.

Giờ thì khác, các đội bóng bị đẩy vào thế phải kiếm tiền nếu muốn có thêm nguồn thu. Có những đội bóng phải nhận chỉ tiêu tài trợ từ lãnh đạo. Nhiều đội bóng chỉ nhận được khoản kinh phí cứng từ 10 - 30 tỷ đồng từ địa phương, hay DN. Số còn lại phụ thuộc vào khả năng kêu gọi tài trợ hay khai thác giá trị thương mại. Mà để một đội bóng hoạt động ổn định tại V.League thì phải có ít nhất 40 tỷ đồng.

Hoàn cảnh buộc các nhà điều hành bóng đá phải năng động hơn nếu không muốn tụt hậu, thậm chí là giải tán. Và cũng từ đây, người ta mới thấy cảnh các đội bóng dần chú ý đến truyền thông, các khán đài, khu vệ sinh, dịch vụ phục vụ khán giả đến sân. Tất cả chỉ để nhằm khai thác thêm nhà tài trợ, nguồn thu từ đồ lưu niệm, bán vé… Đấy cũng là tín hiệu đáng mừng mà nền bóng đá đang ghi nhận. Rằng, một ngày không xa, bóng đá Việt Nam sẽ thoát được cảnh bao cấp để sống được bằng hoạt động của mình.